Hòn Nghệ (Hà Tiên)


Khoảng 12 giờ trưa, tàu rời bến thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), trong thoáng chốc đã lọt thỏm giữa vùng biển xanh thẫm chung quanh nhấp nhô, lớn nhỏ những núi non, hải đảo, cứ như đang ở vịnh Hạ Long. Hai giờ sau, tàu cặp bến hòn Nghệ (xã Hòn Nghệ, Kiên Lương).
< Nhấp nhô núi, đảo trong vùng biển Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Từ “homestay”…
Hòn Nghệ không có khách sạn, nhà nghỉ, kể cả phòng trọ, nhưng người dân nơi đây rất mến khách, xem khách từ đất liền ra là người thân. Nhờ vậy mà mới quen nhau trên tàu chúng tôi đã được ông Vũ Ngọc Dẻo nằng nặc “kéo” tới nhà ông ăn nghỉ.

Con đường từ bãi Nam qua bãi Chướng dài khoảng 3 cây số, có một đoạn qua hẻm núi dài chừng năm trăm thước. Đến giữa hẻm núi, mồ hôi ướt đẫm áo cũng khô ngay và cả người mát khỏe nhờ gió biển lồng lộng thổi vào. Theo con đường tráng xi măng, chẳng bao lâu chúng tôi đến nhà ông Dẻo ở cuối bãi Chướng. Nước giếng mát lạnh xối lên người, gió chướng phần phật thổi, khỏe ơi là khỏe.



< Bến tàu hòn Nghệ.

Vui mừng gặp khách phương xa, ông Dẻo “đày” chúng tôi trở lại bến tàu - bãi Nam - bằng chiếc xuồng máy chạy một vòng chân đảo. Sóng bỏ vòi trắng xác khiến xuồng như sắp chìm trong ngọn gió chướng cấp 3 cấp 4. Từ cuối hòn phía tây vòng qua bãi Nam, biển lặng trang. Đây là nơi tập trung neo buộc hàng trăm lồng bè, trong đó có lồng bè của ông Dẻo. Trên bè khá đầy đủ tiện nghi với nồi niêu xoong chảo, nước ngọt và cả máy phát điện. Ông Dẻo dùng vợt xúc bốn con cá mú đang nuôi, kêu vợ chiên một con, còn lại nướng để chấm muối ớt. Lại có canh chua cá bớp cùng một vài loại cá khác. Một bữa cơm ê hề, no nê và phải nói là ngon “thấu trời” vì cá tươi kèm rượu ngon, vì tính hiếu khách của gia chủ cùng một số bà con lân cận, đặc biệt vì được nhìn ngắm mặt trời đỏ lựng từ từ chìm xuống biển xa. Biển - Đảo

Từ lồng bè nhìn lên ngọn núi sa thạch cao 338 mét, trong màu xanh thẫm cây rừng có vài lõm vàng ệch. Ông Dẻo cho biết đó là cây sặc, một loại cây như cây lau sậy nhưng đặc ruột, mọc rất nhiều ở triền núi và giải thích là do màu vàng của cây sặc xưa kia phủ đầy ngọn núi nên người ta gọi đảo này là hòn Nghệ.



< Khu lồng bè nuôi cá ở Bãi Nam.

Xong bữa ăn trên bè cá bồng bềnh, chúng tôi xuống xuồng máy lướt sóng về bãi Chướng. Chúng tôi nằm trong gian nhà trước, cửa để ngỏ suốt đêm, không giăng mùng. Tiếng sóng ầm ào vỗ vào chân đảo không ngớt bởi ngọn gió chướng trùng dương không át nổi tiếng ngáy của mấy người trong nhóm chìm sâu trong giấc ngủ kéo dài đến sáng hôm sau, khi mặt trời ưng ửng ló lên từ chân trời mặt biển. Chủ nhà đưa chúng tôi ra quán cóc ăn sáng uống cà phê rồi lại lấy xuồng máy đưa chúng tôi đi vòng quanh đảo.


Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Uất Kim Dữ (hòn Nghệ) chu vi 20 dặm, ở về biển phía nam của Trấn (Hà Tiên – NV). Ở đây cây tốt tre cao, động đá tối tăm, sản xuất các loại yến sào, dầu rái và than củi. Dân miền biển dựng lều quanh bờ khe triền núi”.

Ngày nay người dân sống tập trung dài theo bãi Nam và bãi Chướng, đa số sống bằng nghề đánh bắt hải sản, gần đây lại phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè. Nằm trong vịnh Hà Tiên, cách mũi hòn Chông (Kiên Lương) khoảng 15 ki lô mét về phía tây nam, cách quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương) 8 ki lô mét về phía đông nam, hòn Nghệ có hình bầu dục, diện tích chừng 3,8 ki lô mét vuông. Bập bềnh trên sóng nước tới trưa, ông Dẻo lại đưa chúng tôi về cặp lồng bè, thêm một bữa cơm với cá là cá, ăn hoài không biết chán.




Đến tour... “pagodastay”

< Mũi Đá Chuông (bên trái) với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát - nơi có ngôi Liên Tôn cổ tự.

Từ ngoài khơi nhìn hòn Nghệ thấy có hai phần núi rõ rệt. Cụm lớn nhất phía tay phải, là đảo chính với cây rừng che kín ngọn. Cụm nhỏ bên tay trái cây cối thưa thớt bày ra những tảng đá xám đen với nhiều vết cắt kỳ quái. Đó là mũi Đá Chuông, cấu tạo bằng đá vôi karst, nơi có ngôi chùa cổ Liên Tôn.

Từ tam quan lên chùa là con đường ngoằn ngoèo, dài cả trăm thước vô cùng ngoạn mục, khi lên lúc xuống dốc với những bậc đá thấp cao. Hai bên đường là những tảng đá tai mèo chớn chở như cọc chông nhọn hoắt, nhìn cứ tưởng như đang đặt chân tới khu Thạch Lâm (khu rừng đá tự nhiên tại huyện tự trị dân tộc Di Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Vị trụ trì Liên Tôn cổ tự là đại đức Thích Minh Thuận vui vẻ tiếp khách. Sư trụ trì cho biết, Liên Tôn cổ tự được sư cô Diệu Thiên từ Cà Mau đến phát hoang và lập bàn thờ trong hang đá. Về sau, sư cô xây thêm một vài gian nhà ở gần hang, đặt tên chùa là Liên Hoa. Năm 1974, sư cô viên tịch, hòa thượng Thích Nhựt Minh từ chùa Linh Sơn (Cà Mau) ra đây thay sư cô trụ trì chùa. Vị hòa thượng trụ trì này cho xây trên ngọn đồi đá pho tượng Phật bà Quan Âm cao 21 mét nhìn ra biển như hiện tại. Trước tượng Phật Bà có một tảng đá chuông (gõ vào kêu thanh thao như tiếng chuông).




< Tam quan của Liên Tôn cổ tự.

Cổng chùa nhỏ phủ rêu phong. Bước vào mới biết đây là một cửa hang. Vào sâu chừng trăm thước, lòng hang rộng ra là chánh điện của chùa. Là núi đá vôi, mũi Đá Chuông còn có rất nhiều hang động. Trong đó có bốn hang được gọi tên là hang Đạt Ma sư tổ, hang Phật Cô Đơn, hang Dấu Ấn Gia Long và hang Quýt (Quýt là tên người đầu tiên phát hiện ra hang này).

Con đường từ chùa Liên Tôn đến hang Phật Cô Đơn dài khoảng 200 mét, vòng vèo trên sườn núi, đi luồn qua dưới vòm cây rừng xanh kín ngọn, mát rượi, khi lên lúc xuống dốc với khá nhiều những tảng đá khá bự chận lối, phải trèo qua. Căng nhứt là lối đi nhỏ chỉ vừa một người. Nhà sư được đại đức trụ trì giao hướng dẫn chúng tôi viếng cảnh chùa đi bay bay như có khinh công khiến chúng tôi theo không kịp, tụt lại phía sau.


Giống như chánh điện Liên Tôn cổ tự, hang Phật Cô Đơn có một khoảng rộng, là nơi có pho tượng Phật Thích Ca. Năm 2010, chùa mới an vị thêm tượng Địa Tạng Vương Bồ tát. Người dẫn đường rọi đèn pin lên vòm hang, chỉ chúng tôi xem những chiếc vảy rồng và cả một con suối được tạo hình từ những vết nước mưa.

Ấn tượng nhất là đoạn đường đến hang Dấu Ấn Gia Long cũng chỉ hơn trăm mét nhưng ai nấy cảm thấy nó dài thăm thẳm vì những bước chân hồi hộp trên mặt đường có bề ngang chừng 5 tấc, vừa đủ hai bàn chân bước, không tay vịn, không gì cả. Lần bước trên những tảng đá không bằng phẳng, nhìn sâu xuống dưới hàng năm sáu chục thước, một bên là vực biển, một bên là rừng chông bằng đá chơm chởm xỉa lên. Ai nấy rợn người. Chỉ có người dẫn đường vẫn thoăn thoắt bước như đi dạo trên bãi biển.



< Hoàng hôn trên bãi Nam, hòn Nghệ.

Qua đoạn đường thót tim trên cao lại phải xuống khá sâu mới tới hang. Trên vách đá trong hang nổi lên một mặt đá phẳng, rộng chừng một tấc vuông, có vết hằn như khắc chữ loằng ngoằng, trông như dấu ấn (triện của nhà vua), nên người ta đặt tên hang như vậy. Trong hang còn có một tảng đá hình dạng như con voi. Hang Dấu Ấn Gia Long còn một lối đi khác, dễ đi hơn nhưng cũng không kém phần nổi gai ốc.

Buổi chiều hôm đó chúng tôi dùng cơm chay của chùa. Thức ăn chay đạm bạc mà vẫn ngon miệng. Ngon nhứt là rau. Trông những cọng rau “ốm yếu” vậy mà ăn ngọt và giòn nhờ trồng trên đất núi, không bón phân. Sụp tối, tiếng con chim gì kêu “lấu lấu” vang động núi rừng. Đêm, chúng tôi ngủ xếp lớp chung với nhiều người đến chùa cúng, viếng.

Hàng năm, khoảng từ trước tết Nguyên đán một tháng đến cuối tháng Ba âm lịch, rất nhiều phật tử từ Đà Nẵng trở vô thường ra đây hành hương viếng Liên Tôn cổ tự và khám phá cảnh quan còn khá hoang sơ của hòn Nghệ. Tất cả được ăn nghỉ miễn phí tại chùa. Chúng tôi gọi đùa đây là tour “Pagodastay”. Ngoài ra, ngày vía Bà Chúa Xứ ở bãi Chướng (20 tháng Hai âm lịch) và lễ nghinh Ông (16 tháng Giêng) cũng là thời gian hòn Nghệ thu hút rất nhiều khách hành hương.

Du lịch, GO! - Theo SGT
Share on Google Plus

About Nhật Minh Nghiêm

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét