Về đại thể, lối sống Hà Nội vẫn phản ánh nền văn minh nông canh nghìn năm tuổi pha trộn với chút thị thành.
"Mấy thằng nhà quê này có nhanh lên không!". Người lái chiếc xe ôtô đen nhẫy quát mấy người đang gò lưng kéo xe đầy gạch ngược dốc.
Thấy thế, bạn tôi, thổ dân của một trong những ngôi làng cổ thuộc một trong bốn quận nội thành đầu tiên của Hà Nội, lắc đầu: "Tay ấy là người làng tôi vừa bán bớt đất có tiền mua ôtô. Thật chẳng ra làm sao cả". Tôi an ủi anh: "Thường vẫn thế, kẻ vừa thoát nghèo lại hay khinh rẻ người nghèo, cũng như kẻ vừa thoát áp bức thường quay lại... áp bức đồng loại!"
Làng anh xưa kia từng là nơi có trường luyện quân của triều Lý rồi Trần. Như vậy, những gia đình ở đây đều là hậu duệ của những thần dân từ thời Rồng bay lên. Chắc không ai nói họ không phải người "Hà Nội gốc". Thì ra ngay trước mặt tôi đã có hai 'phiên bản' rất khác nhau của'gốc'.
Ngụ cư
Làng quê Việt Nam phân biệt dân 'chính cư' bản địa với dân 'ngụ cư'. Người ngụ cư bị phân biệt như kiểu phân biệt 'có hộ khẩu' với 'không có hộ khẩu' ngày nay. Họ gần như bị gạt ra ngoài rìa cuộc sống cộng đồng và hầu như không được tham gia hoạt động quan trọng của làng xã như dân bản địa.
Nếu có, khá lắm thì được giao chân "mõ" chỉ để hầu hạ các vị chức sắc mỗi khi có việc làng. Thường họ phải làm nhà ở những chỗ đất ở rìa làng - mà người bản địa gọi là 'đất chó ỉa'. Con cái dân 'ngụ cư' cũng không được ngẩng cao đầu.
Khái niệm 'người Hà Nội gốc' phân biệt với 'người không phải gốc'chắc xuất phát từ nếp sống nông thôn như thế từ thời xưa. Bất kể người ngụ cư có làm rạng danh cho làng xóm, họ vẫn cứ bị coi là thứ dân. Dân bản địa dù là 'chân đất mắt toét và thô lỗ' vẫn vênh vang là dân 'chính cư'. Cái tư duy ấy dường như không xa lắm với sự cố chấp trong câu ca dao "... /Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"? Chẳng nên hãnh diện theo lối ấy.
Dăm bảy loại gốc
Quay lại nơi bạn tôi sống, cái nếp "tối lửa tắt đèn có nhau", "một điều nhịn, chín điều lành", ... của làng quê châu thổ sông Hồng đang dần trở thành của hiếm. "Tình làng nghĩa xóm" nơi đây đã trở thành một khái niệm xa lạ. Anh bạn tôi buồn rầu kể ở đây người ta nói năng chẳng cần giữ ý, chửi con cháu bằng đủ các loại ngôn từ.
Cái ghê sợ hơn là mỗi khi khạc nhổ, xi con cháu ỉa đái, họ đều ra ngõ để... thực thi mặc dù trong nhà đã có toa-lét tân thời. Mỗi sáng khi quạt bếp than tổ ong, họ đều mang ra ngõ để quạt... cho khói khỏi vào nhà mình. Thế nhưng họ rất quyết liệt trước mọi sự 'ngoại lai'. Gia đình một bà giáo về hưu đến mua đất trong làng để làm nhà ở cho nó thuần. Sau khi gia đình dỡ nhà cũ nát và chuẩn bị làm nhà, chính những người làng lại gây khó dễ không cho làm, cuối cùng đành bán lại chịu thiệt. Vì sao? Chẳng vì sao cả, chỉ vì không thích!
Còn đây nữa, người cùng cơ quan tôi, là một 'gốc' khác, đời thứ năm sống trên phố lớn ở Hà Nội. Cha anh là một kĩ sư và nhà tư sản công nghiệp thời Pháp thuộc. Một lần anh rủ tôi về quê nơi xưa anh sơ tán. Anh khoe: "Về đây cứ yên trí có 'cơm no bò cưỡi'". Tôi băn khoăn: "Thời thiếu đói thế này về chỉ làm phiền thêm người ta thôi." Đó là vào những năm 1980, khi Hà Nội "không có gì".
Chủ nhà, một người họ xa với anh, niềm nở đón "các chú trên Hà Nội" về chơi và sai con đun nước rồi bắt gà mổ thịt. Trong khi đợi cơm, anh mang súng hơi đi bắn chim trong làng. Trưa về đã thấy mâm cơm với đĩa thịt gà đợi. Trong khi đó bác chủ gái đi làm đồng về và mấy đứa con đã ăn dưới nhà ngang để rồi chiều lại đi làm.
Là người 'bám càng', tôi vô cùng ái ngại nhưng anh nháy mắt tỏ ý không có vấn đề gì. Sau tôi mới biết đó là con gà mái duy nhất của nhà đang đẻ trứng. Cơm no rượu say xong, anh ngáy một giấc ngon lành. Trước lúc về anh khéo miệng chào bác chủ: "Em có quà cho hai bác và các cháu. Cái này là đặc sản Hà Nội."
Trên đường về anh khoe: "Chỉ mất gói kẹo dồi mà đươc một ngày thoải mái". Hơn chục con chim sẻ anh bắn được treo lủng lẳng trên ghi-đông chiếc xe cuốc theo anh về Hà Nội. Lần sau anh lại rủ, tôi không dám đi nữa. Tôi không gặp lại anh từ đó và chỉ nghe bây giờ anh kinh doanh đồ sứ vệ sinh rất phát đạt, nhưng sự ái ngại thì vẫn còn nguyên trong tôi.
Hà Nội có nhiều thành phần lắm. Vào những năm 1955-56, một số không nhỏ những rễ, chuỗi, ... không dám nhìn mặt bà con làng xóm vì trót tố điêu, từ nhiều nơi phải bỏ làng chạy về Hà Nội. Đến nay, con cháu họ cũng là "người Hà Nội gốc"...
Những hành xử kể trên thuộc tính cách từng người riêng biệt không đại diện cho Hà Nội, cũng như tính cách "thanh lịch, nhã nhặn, v.v ..." cũng mang tính cá nhân không đại diện cho và không chỉ thuộc về Hà Nội.
Lối nói sáo mòn
Người Việt có một số câu nói công thức (cliché). Hễ cứ "Hà Nội" là nhất định phải đi với "thanh lịch", "X" dứt khoát phải đi với "bách chiến bách thắng", "Y" dứt khoát phải phải đi với "vĩ đại", "Z" dứt khoát phải đi với "sáng suốt", v.v...
Cách dùng từ lối này mòn đến mức thậm chí xuất hiện một cách vô thức trong tình huống không phù hợp. Tại hội thảo khoa học, khi nói về ô nhiễm môi trường đô thị có người còn nói: "Các chỉ số ô nhiễm tại Thủ đô Hà Nội trái tim thân yêu của cả nước đang ở mức cao". Vừa thừa vừa thiếu, lẫn lộn văn phong.
Đã có quá nhiều lời bình theo lối 'tụng ca' một chiều với đầy những cụm từ cố định ấy, tương tự như:
"Truyền thống 'Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An' là tinh hoa tích tụ từ hàng nghìn năm, từ trăm miền đất nước bồi đắp nên nét đẹp văn hoá Thăng Long - Hà Nội đáng quý, mang đậm giá trị của sự lịch lãm, tinh tế, hào hoa, mềm mỏng, thông tuệ, nghĩa hiệp, nhân ái, tôn trọng kỷ cương, luật lệ và phép nước...".
Ai không tụng niệm theo hoặc nói khác rất có thể sẽ bị đám đông a dua chụp cho vài cái mũ và... ném đá.
Trên thế giới, những nhận xét như "người Đức khô khan", "người Anh lãnh đạm", "người Pháp hay khoe khoang", ... cũng chỉ là những nhận xét đầy cảm tính. Những phát biểu mang tính 'quen miệng' theo đám đông mà thiếu suy xét, phân tích sẽ sinh ra ngộ nhận, hàm hồ và chụp mũ.
Hà Nội không phải lúc nào cũng 'thanh lịch', 'hào hoa'. Câu nói "trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương" ám chỉ thói hống hách cửa quyền, tai tiếng thời xưa là một ví dụ.
Những tính đặc thù của Hà Nội mà nhiều người vẫn tụng ca là gì nếu không phải những đặc tính tốt đẹp chung, thừa hưởng của văn hóa châu thổ sông Hồng? Những câu nói nhún nhường, lịch thiệp như: "Xin đỡ lời cụ", "Dạ, rước bác vào xơi nước", v.v... là những lời tiếp chuyện, chào hỏi của người xưa và đến nay vẫn còn ở nhiều miền quê.
Những đặc điểm "thanh lịch", "hào hoa",... mang dáng dấp thị thành không nên khái quát hóa cho cả một cộng đồng từ xa xưa đã là nơi tụ hội "người tứ xứ". Hơn nữa, như các tác giả khác đã nhận xét, cái phần "váng" đó chỉ thuộc một tỉ lệ vô cùng nhỏ trong Hà Nội vốn là một "biển nông dân". Và do vậy, khó có cái gọi là "tính cách Hà Nội".
Về đại thể, lối sống Hà Nội vẫn phản ánh nền văn minh nông canh nghìn năm tuổi pha trộn với chút thị thành.
Có nên khoe cái gốc già?
Xin dẫn thêm một chuyện có thực tại một khoa thuộc trường đại học nọ. Ở đó, họ chia thành hai "phe", một phe là "Hà Nội gốc" và một phe là "cam-pan-nha" (nhà quê). Thế là hai phe tranh giành nhau từ cái chức quèn đến giờ dạy thêm, phe nào cũng học hàm học vị cao ngất.
Điều nực cười là nhiều người trong phe "Hà Nội gốc" quên khuấy rằng họ xuất thân từ những gia đình lang bạt mới dạt về Hà Nội khoảng những năm 1950. Không biết ở nơi khác ra sao, còn ở khoa vừa kể việc tranh cãi về "gốc" đã thành tại họa như thế đó. Đúng là trò cười đáng xấu hổ.
Thay cho sự luẩn quẩn đó, ta hãy nghĩ phải làm gì và làm thế nào cho rạng danh Hà Nội. Viện đến 'gốc' là việc làm của người yếm thế kiểu AQ. Cũng như vậy, truyền thống lâu đời cũng là một điều đáng tự hào trên thế gian. Tuy nhiên nếu chỉ ỷ vào nó mà không làm gì cho xứng với cao niên thì cái cao niên ấy cũng thật ít ý nghĩa.
Mặc dù London nay gần 2000 năm tuổi, người London không ngồi một chỗ tự khen đuôi mình dài, hay rùm beng khoe tuổi của thủ đô, mà họ quan tâm đến những việc làm cụ thể để nâng tầm thủ đô của họ lên. Sau 1000 năm, nếu Hà Nội không lớn lên mà vẫn chỉ là cái làng-phố thì có nghĩa là nó chỉ già đi thôi.
Lớn tiếng về tuổi tác cần đi với những thành tựu tương xứng, bằng không điều đó chỉ có nghĩa "Tôi già hơn anh" - chỉ làm cây bonsai cho ai tưới sao thì tưới chăng?
Ai là người Hà Nội?
Có người làm xấu Hà Nội đi bằng những việc làm không đẹp. Có người làm cho Hà Nội đẹp thêm và hãnh diện hơn ...
Nhiều danh nhân xưa sống và làm việc để làm rạng danh cho Hà Nội là người từ 'tỉnh lẻ' - từ các bậc vua chúa dựng nước đến các danh nhân văn hóa, nhà khoa học thời nay. Ở thế giới vĩnh hằng, họ nhất định vẫn nói: "Tôi quê ở ..." với niềm tự hào về quê hương tỉnh lẻ của mình, nhưng đã làm rạng danh cho Thăng Long- Hà Nội và cho đất nước.
Người làm cho Hà Nội đẹp hơn, văn minh hơn, có tầm tri thức cao hơn để ngẩng cao đầu và sánh vai với thủ đô các nước là NGƯỜI HÀ NỘI - viết hoa.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Phương (TuanVietnam), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét