Soi mình bên dòng Thạch Hãn hiền hòa, thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc. Đây được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập. Nơi đây, dưới lớp cỏ non, lòng đất thành cổ đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị.
Ngày nay, giữa không gian thanh bình, thành cổ Quảng Trị đã trở thành điểm đến, không chỉ là nơi ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là điểm du lịch hấp dẫn.
Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự, thành cổ Quảng Trị vừa là công trình thành lũy quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809-1945. Thành lúc đầu được đắp bằng đất. Đến năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên thành cổ có dạng hình vuông với chu vi tường dài 2.160m, thành cao 3m, dưới chân dày 13,5m, đỉnh dày 0,72m. Bên ngoài có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là bốn pháo đài cao, nhô hẳn ra ngoài.
.
Thành có bốn cửa Tiền, Hậu, Tả, Hữu nằm chính giữa bốn mặt thành, xây vòm cuốn, vòm làm bằng gỗ lim. Mỗi cửa rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói âm dương. Nội thành có các công trình kiến trúc như Hành cung, Cột cờ, Dinh Tuần Vũ, Dinh án sát, Dinh Lãnh binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính. Trong đó Hành cung được xem là công trình nổi bật nhất: Bao bọc xung quanh là hệ thống tường dày, chu vi 400m, có hai cửa.
Hành cung là một ngôi nhà rường, kết cấu ba gian, hai chái, mái lợp ngói liệt, trên có trang trí các họa tiết rồng, mây, hoa, lá... Đây là nơi thường để vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì thành cổ lại có thêm nhà lao, tòa mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoan... Từ năm 1929-1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước. Chính nơi đây đã trở thành trường học chính trị của những người yêu nước để rèn luyện ý chí son sắt, đấu tranh trực diện với kẻ thù.
Hơn 160 năm tồn tại dưới thời quân chủ và thực dân, thành cổ là trung tâm chính trị của Quảng Trị. Dưới thời tạm chiếm, Mỹ - ngụy biến thành cổ Quảng Trị thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng. Vì vậy, nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh chống Mỹ và các trận chiến đấu oai hùng của quân và dân ta. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu ngoan cường đánh trả các đợt phản kích tái chiếm thành cổ Quảng Trị của ngụy quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 (từ 28-6 đến 16-9-1972).
Chiến công giữ vững thành cổ Quảng Trị là khúc tráng ca bất tử, đã ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng. Thành cổ như một bảo tàng ghi nhận hi sinh cao quí của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng. Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ là đòn chiến lược bẻ gãy ý đồ cuồng vọng tái chiếm Quảng Trị của Mỹ - ngụy, tạo thế mạnh cho ta trên bàn đàm phán Pari. Ngã ba Long Hưng - chốt bảo vệ thành cổ phía Nam được mệnh danh là “ngã ba bom”, “ngã ba lửa” mà hết đơn vị này đến đơn vị khác quyết bám trụ đến cùng. Tại ngã ba Cầu Ga, 20 chiến sĩ án ngữ đều hi sinh anh dũng.
Ngày 12-12-1986, tại quyết định số 235/VH-QĐT của Bộ Văn hóa - thông tin, thành cổ Quảng Trị được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 1994, thành cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hòa bình lập lại, thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu... Từ năm 1993-1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạn thành, cổng tiền đã được tu sửa, hàng nghìn cây dừa đã mọc lên phía trong thành. Đặc biệt, một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa thành cổ. Đài tưởng niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố ximăng tạo thành hình bốn cửa của thành cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm.
Thành cổ Quảng Trị là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế.
Hiện nay, thành cổ được Nhà nước đầu tư để tôn tạo và bao gồm các khu vực: Khu ghi dấu ấn về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở góc đông nam, tái tạo lại chiến trường năm 1972 với hầm hào, công sự, hố bom...; Khu phục dựng thành cổ nguyên sinh ở phía đông bắc, thu nhỏ kiến trúc các công trình cổ, trồng một rừng mai vàng để gợi biểu tượng non Mai sông Thạch Hãn; Khu công viên văn hóa ngoài tượng đài và nhà trưng bày bổ sung hai tầng, tại phía tây và tây nam xây dựng một công viên có nhiều lối đi, ghế đá, cây cảnh, hồ nước, sân chơi.
Du lịch, GO! - Theo Hà Nội Mới
Thành cổ Quảng Trị - miền đất tâm linh
Thành cổ Quảng Trị là điểm dừng chân thu hút nhiều du khách trên hành trình xuyên Việt vì những câu chuyện huyền thoại và chứng tích bi tráng của nơi từng diễn ra trận đánh đẫm máu 81 ngày đêm năm 1972 giữa quân dân ta với Mỹ-ngụy.
Di tích nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị đón du khách bằng một không gian rất đặc biệt: vừa u buồn trầm mặc, vừa hào hùng, lãng mạn và bi tráng. Không gian của thị xã Quảng Trị — đặc biệt là ở Thành cổ - khiến người ta có cảm giác luôn phảng phất khói hương tưởng nhớ những người đã khuất. Được biết, trong trận đánh 81 ngày đêm năm xưa tại Thành cổ, 14.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh với vô vàn câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của rất nhiều chiến sĩ tuổi đôi mươi.
Đến thăm Thành cổ, du khách sẽ được nghe kể lại những câu chuyện huyền thoại bởi các hướng dẫn viên của Di tích Thành cổ. Đặc biệt trong ngày lễ, kỷ niệm, ngày rằm, mùng một... sông Thạch Hãn chảy quanh Thành cổ trở thành dòng sông hoa tươi và hoa đăng do những cựu chiến binh và nhiều người dân của thị xã thả xuống. Từ rất lâu rồi, việc thả hoa xuống sông Thạch Hãn đã trở thành một tập quán đẹp của chính quyền và nhân dân địa phương. Đến Thành cổ trong những dịp này, trong lòng du khách sẽ lưu lại dấu ấn rất sâu đậm. Du khách sẽ cảm thấy như đang có một sợi dây vô hình kết nối hiện tại với quá khứ, hiểu thêm những nét đẹp trong tình cảm và đời sống tâm linh của người dân sống quanh Thành cổ.
Tại Thành cổ Quảng Trị, không thể không chiêm ngưỡng tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh năm xưa. Tượng đài có hình tròn tượng trưng nấm mồ cho những người đã mất. Phía dưới của tượng đài là hành trang người lính gồm nón, ba lô và một cây thiên mệnh hướng lên trời xuyên qua ba áng mây. Phía trên cây thiên mệnh có một ngọn nến và ánh hào quang, dưới tầng mây cuối cùng có gắn hình tượng chung là ba bát cơm tiễn người đã khuất. Ngoài vòng tròn gắn 81 tờ lịch, thể hiện 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ giải phóng quân.
Trong khuôn viên Thành cổ có tháp chuông lớn được đặt tại quảng trường nối liền Thành cổ và bờ sông Thạch Hãn thường xuyên vang lên những hồi chuông ngân dài với ý nghĩa cầu mong linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh được siêu thoát. Góc phía Tây Nam của Thành cổ là Bảo tàng với rất nhiều chứng tích chiến tranh được lưu giữ và thuyết minh đầy cảm xúc, khiến bất cứ ai thăm nơi này đều xúc động, bồi hồi.
Thành cổ được vua Gia Long ra lệnh xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19, trên một khu đất cao với sông Thạch Hãn ở phía Tây, sông Vĩnh Định ở phía Bắc và vùng dân cư đồng bằng Triệu Hải ở Đông và Nam. Từ Thành cổ có thể ra Bắc, vào Nam bằng đường bộ lẫn thủy thuận tiện. Theo sử liệu, ban đầu thành chỉ đắp bằng đất, sau được vua Minh Mạng cho xây lại với chức năng quân sự với 4 pháo đài, có 4 cửa ra vào, bao quanh là hệ thống hào thành sâu hơn 3 mét, rộng hơn 18 mét. Các cửa thành đều được xây vòm cuốn với vọng lâu, mái cong lợp ngói âm dương. Bên ngoài mỗi cửa đều có một chiếc cầu uốn cong bắc qua hào thành. Bên trong thành có hành cung được bảo vệ bởi hệ thống tường cao, dày, có nhà ở của các vị Vua khi đi kinh lý qua hay dự lễ thăng chức của các quan.
Dưới thời Nhà Nguyễn, Thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là thành lũy quân sự bảo vệ kinh đô Huế. Sau trận chiến năm 1972, Thành cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Hiện nay, chỉ có vài đoạn tường thành và bốn cổng chính của Thành được phục chế. Dù không còn những dấu ấn xưa, nhưng Thành cổ vẫn là “Đất tâm linh” của nhiều người dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung, vì nơi đây mỗi tấc đất đều thấm máu của các chiến sĩ ta.
Cùng với những địa danh như địa đạo Vịnh Mốc, nhà tù Lao Bảo, hàng rào điện tử McNamara, căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, Đường 9, cầu Hiền Lương... Thành cổ Quảng Trị là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế của tỉnh Quảng Trị.
Du lịch, GO! - Theo Chudu24
0 nhận xét:
Đăng nhận xét