Núi Ba Thê (An Giang)


Tương truyền, xưa có một người đàn ông lên núi tu hành, xa lánh thế gian, bụi đời nhưng lòng trần chưa rũ sạch, nên chiều chiều ngóng vọng về phương xa nhớ nhà, nhớ vợ đến chết hóa thành hòn đá vọng thê.

Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên gốc là Hoa Thê Sơn, đời các vua nhà Nguyễn, vì kỵ húy nên đổi tên. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Qua thị trấn Núi Sập (nay có tên mới là thị trấn Óc Eo) là đến chợ Ba Thê. Nơi đây từng là một thương cảng phồn thịnh thời trung cổ, bị vùi lấp dưới lớp đất phù sa hơn 3 m. Người ta đã phát hiện di chỉ này vào năm 1942 và khám phá ra thành cổ Óc Eo vào năm 1944, lúc đào kinh xáng Ba Thê.



Nhiều cổ vật thu được như khuôn chế tác vật dụng và nữ trang bằng gốm, đá, vàng, đồng đã thu được từ địa điểm này. Các tượng đá mang dấu ấn văn hóa phật giáo và Hindu giáo rất đa dạng như: tượng Phật, linh vật, Yoni và Linga có niên đại cách đây trên dưới 1.500 năm. Đặc biệt là nhóm tượng Ganesa với mình người, đầu voi trông rất ấn tượng. Bảo tàng tỉnh An Giang hiện có trưng bày nhiều hiện vật và phiên bản của nhiều cổ vật, tượng, xương thú hóa thạch…

Muốn lên núi Ba Thê, du khách đi theo con đường nhỏ, lát bê tông, bề ngang rộng chừng 3 m, ngoằn ngoèo uốn lượn chạy quanh co. Con đường này có từ đời Pháp thuộc, đến chế độ cũ, được sửa lại để phục vụ cho mục đích quân sự. Năm 2002, đường được Nhà nước đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, an toàn để phục vụ cho du lịch.



Trên đỉnh Vọng Thê có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự, dựng vào năm 1933. Trước sân chùa có tượng phật quan thế âm bồ tát cao chừng 8 m, đứng trên tòa sen, khoác áo choàng đỏ, uy nghi, tự tại, sừng sững trên đỉnh như nhìn bao quát khắp thế gian. Ở trên đỉnh núi, mây bay là đà, mang hơi sương mát lạnh, cỏ cây xanh tốt ngút ngàn. Có nhiều tiếng chim hót líu lo, ríu rít khắp nơi. Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân vọng thênh thang, bàng bạc khắp núi rừng làm bâng khuâng, xao xuyến lòng người.

Cạnh ngôi tháp xá lợi cổ bên chùa, có bia kỷ niệm ghi lại chiến công oanh liệt của quân giải phóng Ba Thê – Thoại Sơn, trong đó chỉ rõ, đội quân này đã tiêu diệt gọn cứ điểm của địch trên đỉnh Hoa Thê Sơn vào ngày 6/5/1968.



Có một di tích rất lạ, gợi trí tò mò, thích thú cho khách đó là hòn đá hoa cương cao chừng 3 m, to cỡ gốc cổ thụ bốn, năm người ôm, nằm bên hông chánh điện của Sơn Tiên Tự. Trên mặt viên đá khổng lồ ấy có dấu bàn chân người to hơn bình thường, rất rõ. Người địa phương gọi đó là “bàn chân tiên”. Các sư trên núi kể lại: xưa kia lúc mới tạo sơn, đá núi còn mềm như đất sét, có một vị tiên đã ấn bàn chân mình lên đá để làm dấu…

Đi xuống phía triền núi cách chùa Sơn Tiên chừng 10 m sẽ thấy một công trình mới. Đó là nhà trưng bày, nơi giới thiệu những cổ vật, hiện vật có liên quan đến lịch sử cũng như văn hóa của Ba Thê- Óc Eo.



Điều đặc biệt là công trình này có phong cách kiến trúc rất giống những đền đài của các nước vùng Nam Á, dấu ấn của Hindu giáo thể hiện rất rõ qua kiến trúc mái vòm.

Các mặt vách xung quanh công trình đều có tượng thần Ganesa mình người, đầu voi, ngồi với tư thế nghiêm trang, nửa như trầm mặc thiền định, nửa như răn đe, canh giữ. Lan can bao bọc sân trang trí tượng nhỏ. Khu nhà trưng bày có chu vi hình vuông chừng 40 m, tam cấp cửa chính ở phía mặt trời mọc, là nơi ngự trị của các thần linh theo quan niệm Ấn Độ giáo.



Ở ngọn núi nhỏ cạnh bên, có một hòn đá trơ vơ, trên đầu có một phiến đá tròn giống cái nón. Truyền thuyết và huyền thoại ở vùng này kể rằng, xưa có một người lên núi tu hành, xa lánh thế gian, bụi đời. Nhưng vị này lòng trần chưa rũ sạch, nên chiều chiều ngóng vọng về phương xa nhớ nhà, nhớ vợ. Sau đó, ông chết đi… Người ta cho rằng vị sư kia đã hóa đá, thành hòn vọng thê giống như chuyện hòn vọng phu ở miền Trung và miền Bắc, nhưng.

Phía Bắc núi Ba Thê còn có một tảng đá có dáng hình như một cây đao vĩ đại. Dân gian gọi đó là Thạch Đại đao, là bửu bối của trời đất, dành để trừng trị bọn gian ác.

Đô thị Ba Thê

Đô thị Ba Thê – Óc Eo được thiết lập từ thế kỷ thứ I và tồn tại cho đến thế kỷ thứ VII khi đồng bằng Nam bộ chịu ảnh hưởng của đỉnh cao hải xâm Đông Hải trong khoảng năm 650 sau Công nguyên. Đã có thời Ba Thê – Óc Eo là đô thị của Vương quốc Phù Nam, nằm bên bờ vịnh Rạch Giá, ăn sâu vào đất liền tận Thoại Sơn.
Qua Đại Nam nhất thống chí, núi Ba Thê có tên là Hoa Thê Sơn. Diện mạo núi có 3 chóp đứng, có nhiều cây cổ thụ xanh mát, mặt trước là lung, đầm lầy. Vào triều Minh Mạng, do húy ky tên Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên Hoa Thê Sơn đổi thành núi Ba Thê.



Tại cánh đồng phía nam phía Ba Thê có một vùng đất lẫn đá gọi là Giồng Cát, Giồng Xoài, vào tháng 2-1944, ông L.Malleret chủ trì đã khai quật tìm thấy một loại di tích kiến trúc gạch đá nền hình vuông không có mái ngói, nhiều hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo. Các vết tích, di vật để lại, Óc Eo được công nhận là di tích văn hóa cổ.

Đô thị Ba Thê – Óc Eo có 2 khu vực chính: Nội thành là nơi ở của vua chúa, quan lại, đạo sĩ, thương gia, nghệ nhân, công chức, binh lính và ngoại thành là nơi ở của công nhân và các cư dân.



Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên chóp đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực. Quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời.

Đến núi Ba Thê, du khách còn bắt gặp một tảng đá có hình dáng cây đao khổng lồ dựng trên chót núi, mà tên nghe rất võ hiệp “Thạch Đại Đao”. Tảng đá này có một mặt bén, một mặt bằng tựa sóng đao, dài 320cm, ngang 71cm, nặng cỡ 2 tấn 50, qua truyền thuyết được kể rất hấp dẫn. Vào một đêm mưa to gió lớn, sấm gầm gió giật, nhân dân quanh thị trấn Ba Thê kinh hoàng do những tiếng nổ phát ra khủng khiếp.



Hôm sau, có người làm rẫy ở sườn núi phát hiện vết nứt ở một tảng đá có diện mạo giống cây đao to. Mọi người cho đó là hiện tượng lạ và ùn ùn rủ nhau lên coi. Vào thời điểm đó, đường đi khó khăn, cây cối mọc um tùm, lối đi chật hẹp, dốc cao, người đi coi đông đảo ngoài sức tưởng tượng. Có số người đến tận hiện trường chưa thấy đã tung ra hàng loạt chuyện mang tính thần bí theo tưởng tượng thiếu thực tế. Cụ thể như họ nói “Long Đao xuất hiện, hình cây đao giống đạo Quan Công, thanh đao của người khổng lồ cầm gươm ba thước để xử kẻ hung ác…”.

Buổi chiều tà, đứng trên đỉnh Ba Thê nhìn xuống đồng bằng xa xa mờ ảo trong khói lam chiều, bạn sẽ thấy tâm hồn như lắng lại, lòng lâng lâng cảm giác thoát tục, giữa bốn bề sơn thủy hữu tình.

Du lịch, GO!
Share on Google Plus

About Nhật Minh Nghiêm

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét