Hùng Vỹ Hoàng Liên Sơn (Sapa-Lào Cai)


Vẻ đẹp đặc trưng của miền núi phía Bắc là núi non hùng vĩ, địa thế hiểm trở, với "xương sống" là dải Hoàng Liên Sơn - nóc nhà Đông Nam Á giàu cảnh quan, vừa ẩn chứa trong mình nhiều giá trị sinh học vừa mang những truyền thuyết phản ánh tình yêu của con người và thiên nhiên.


Trên địa hình khu vực, có những con đèo lừng danh cả về ý nghĩa lịch sử lẫn cảnh quan du lịch như đèo Hoàng Liên (Lào Cai - Lai Châu), đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang), đèo Pha Đin (Sơn La - Điện Biên), đèo Khau Phạ (Yên Bái), những con đèo này được du khách đặt tên một cách không chính thức là "Tứ đại đỉnh đèo".
 Hiện nay, chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã chính thức khởi động với 4 trọng tâm. Lào Cai cuối tuần giới thiệu về những con đèo nổi tiếng trên khu vực.
. 



Đèo Hoàng Liên Sơn (còn gọi là đèo Ô Quy Hồ) là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Nằm trên tuyến Quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo ở cao độ 2.073 mét so với mực nước biển cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh.


Theo tài liệu của ngành giao thông - vận tải, đèo Hoàng Liên Sơn có cung đường ngoằn ngoèo trên Quốc lộ 4D, trong đó 2 phần ba quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1 phần 3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai.



Tài liệu khẳng định đây là con đèo giữ kỷ lục về độ cao và độ dài của Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50km, dài hơn đèo Pha Đin (đường đèo 32km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên), hay đèo Khau Phạ (đường đèo gần 40km, thuộc tỉnh Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là "đệ nhất đèo" và được gọi chính thống là "cung đường ô tô cao nhất Việt Nam".


Nhiều năm trước, đèo Ô Quy Hồ là một cung đường đầy hiểm trở, lổn nhổn sỏi đá, rãnh nước, rừng rậm, thú hoang… chứa đựng những bất trắc làm cho ít người dám qua lại. Đường quá dài lại mang trong mình nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình, trong đó có chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại. Nhưng từ hơn mười năm trở lại đây, con đường đã được sửa chữa, trải nhựa phẳng, giảm bớt những góc cua tay áo, tạo thuận lợi rất nhiều cho lữ khách vượt đèo, với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay của Lào Cai và Lai Châu, cũng như sự tăng trưởng mạnh của du lịch Sa Pa, đèo Hoàng Liên Sơn trở thành một cung đường xe cộ đi lại nườm nượp. Người Lai Châu đi về thủ đô Hà Nội cũng luôn chọn tuyến đường này.



Tuy nhiên, với sự hiểm trở vốn có, một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại vách đá dựng đứng, đèo vẫn luôn là một thử thách lớn đối với các tài xế. Những tấm biển nguy hiểm được dựng lên khắp nơi để cảnh báo tai nạn thảm khốc. Từ ngày tái lập tỉnh Lào Cai tới nay, khu vực đèo trở nên hấp dẫn du khách mỗi dịp lên thăm Sa Pa, vì nhiều người tham quan Thác Bạc bao giờ cũng cố lên đỉnh đèo ngắm phong cảnh kỳ vĩ, hoang sơ của núi rừng Hoàng Liên đã được vinh danh là "Vườn di sản ASEAN Sa Pa". Chỉ cần đứng giữa đỉnh đèo, ngắm nhìn mây cuộn ngùn ngụt từ dưới khe sâu bốc lên những đỉnh núi cao vời, ai cũng có cảm giác choáng ngợp và ấn tượng không thể phai mờ trước thiên nhiên hùng vĩ.



Đèo Hoàng Liên Sơn cũng có nhiều truyền thuyết, đó là câu chuyện về tình yêu son sắt thủy chung của một đôi trai tài, gái sắc, nhưng không thành duyên chồng vợ, họ hóa thân thành đôi chim quấn quít bên nhau nơi rừng thiêng. Cũng có truyền thuyết trong dân gian rằng, đỉnh đèo là nơi có nguồn nước không bao giờ cạn, là nơi trú ngụ của Rùa thần, vậy nên khu vực này mới có tên gọi là Ô Quy Hồ.


Rất hồn nhiên, cánh nhiếp ảnh hoặc người chạy xe máy, người đi ô tô qua đèo lần nào cũng dừng lại đỉnh đèo ngắm cảnh, chụp ảnh và ăn chút gì đó lót dạ. Ở đây có một vài quán nhỏ cắm cây que sơ sài hứng gió ù ù và thỉnh thoảng lại ngập mất hút trong mây tràn. Các món chủ yếu là đồ nướng thơm phức với hạt dẻ, thịt xiên, trứng nướng hay cơm lam chấm muối vừng. Xuýt xoa đôi bàn tay bên bếp lửa hồng, nụ cười thân thiện của người bán hàng cũng như của những người gặp nhau nơi cung đường cao nhất Tổ quốc này làm tan biến cái giá buốt. Ngoài kia, bất chợt một đợt gió xua mây mù toả khắp núi rừng, con đường bé xíu ngoằn ngoèo ẩn hiện tít dưới xa.

Share on Google Plus

About Nhật Minh Nghiêm

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét