Người thợ xoay quanh chiếc bàn, mỗi vòng xoay, chiếc bình dần hiện ra dưới đôi bàn tay khéo léo, đơn giản và thô mộc nhưng đầy cuốn hút
Nằm cách thành phố Phan Rang gần 10 km, ngay trên đường quốc lộ 1A, làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận tự hào là một trong hai làng gốm cổ nhất Đông Nam Á.
Con đường nhựa dẫn khách bước chân vào ngôi làng. Đời sống của người dân đã khấm khá hơn với những ngôi nhà được xây dựng khang trang. Hầu hết các gia đình ở đầu làng đều không còn làm nghề, những nhà làm nghề đều nằm phía sâu bên trong.
Ở các nhà làm nghề, gian ngoài là phòng trưng bày sản phẩm, bên trong là nơi tạo hình và nung đất. Những chiếc bình hoa, lu đựng nước, chiếc đĩa, cái chum… - những vật dụng thường ngày đều được những đôi bàn tay tài hoa làm ra từ đất sét.
Không có bàn xoay, người thợ tự xoay quanh bàn để tạo hình dáng cho sản phẩm. |
Gốm Bàu Trúc được làm từ đất sét sông Quao trộn với cát. Đất chỉ được lấy một năm một lần, mỗi lần lấy đất kéo dài nửa tháng. Đất được lấy nhiều hay ít tùy vào khả năng của người lấy. Tới mùa lấy đất, hầu như mọi người đều đem đất về trữ sẵn tại nhà để dùng trong cả một năm. Đất sét và cát pha kèm với một ít nước, nhào cho thật mịn, dính lại với nhau và đặt lên bàn.
Hiện người dân ở Bàu Trúc vẫn giữ cách làm gốm nguyên sơ của mình từ bao đời. Người làng không làm bằng bàn xoay mà người thợ phải xoay quanh sản phẩm. Những chiếc lọ, chiếc đĩa dần hiện ra sau mỗi lần xoay vòng và khi người thợ dừng xoay cũng là lúc sản phẩm được hoàn thành. Được làm nhiều nhất là những bức phù điêu hình người phụ nữ Chăm, hình những vị vua Chăm, vũ nữ và các vật dụng hàng ngày.
Người ta dùng khăn thấm nước tạo bề mặt nhẵn. Các hoa văn trang trí bằng những vỏ sò, con ốc hoặc được vẽ bằng tay hình sóng nước, hình răng cưa, hình những con thuyền, bông hoa đơn giản, phản ánh cuộc sống của người dân suốt bao đời.
Không cần lò nung, người thợ Bàu Trúc chỉ dùng rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt. Cách làm này khiến cho những bình nước giữ được độ mát của nước chứa bên trong.
Màu của đất và màu của lửa tạo nên màu sắc riêng cho gốm Bàu Trúc. |
Các sản phẩm làm xong đều mang màu nâu đỏ tự nhiên của đất hoặc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu đầy màu sắc đặc trưng của nền văn hóa Champa.
Ông tổ của làng nghề là Pô klong Chan. Hàng năm, người dân địa phương vẫn tổ chức cúng lễ tưởng nhớ vị tổ sư làng nghề của mình. Với 400 hộ dân trong đó người làm nghề không còn nhiều nhưng người dân Bàu Trúc vẫn cố gắng duy trì làng nghề cho đến tận hôm nay.
Các công ty du lịch thường xuyên đưa khách đến tham quan và tìm hiểu thêm về làng gốm giàu truyền thống này. Du khách đến đây có thể tự tay làm cho mình những chiếc cốc hay chiếc đĩa, rồi tự tay mình vẽ hoa văn và nung trên lửa. Cảm giác thật thú vị khi được tận tay nắm đất và làm cho riêng mình những sản phẩm.
Tháp Chăm thu nhỏ là một trong những món quà của mảnh đất này. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét