Bãi tắm Cửa Lò dài trên 10km, có độ dốc thoai thoải, cát trắng phẳng mịn, nước trong và sạch, không pha lẫn bùn như một số bãi biển khác. Phía trên bãi biển còn có nhiều khu lâm viên rộng với những rặng phi lao, rặng dừa xanh tốt. Nước biển ở đây có độ mặn rất cao. Vì thế, Cửa Lò là một trong những bãi tắm lý tưởng ở Việt Nam.
Đảo Lan Châu nằm ngay sát biển đẹp du lịch Cửa Lò Nghệ An, chia bãi tắm Cửa Lò thành hai khu vực riêng biệt. Những lúc triều dâng, toàn đảo dầm chân trong nước biển. Dưới chân núi, về phía đông nam có nhiều tảng đá lớn, hình thù kỳ lạ với nhiều tên gọi khác nhau. Trên đảo, năm 1936, vua Bảo Đại đã cho xây lâu đài để nghỉ dưỡng. Từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị xã Cửa Lò và được phóng tầm mắt nhìn ngắm biển khơi bao la. Tại đây có loài cúc biển đẹp lạ kỳ do chính vua Bảo Đại đem giống cây từ Pháp về.
Cách bờ biển 4km là đảo Song Ngư như hai con cá khổng lồ che chắn bão to, gió lớn cho bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội, đây là nơi sinh sống của các hệ động thực vật rất phong phú như: khỉ, dê hoang dã, chim v.v…Xa xa, ngoài khơi chừng 20km là núi Quỳnh Nhai. Núi cao 218m, sâu 24m so với mặt biển. Quỳnh Nhai gồm Hòn Lớn và Hòn Con.
Bãi biển Cửa Lò trong chiều dài lịch sử tự nhiên vốn là một bãi biển dài, đẹp với dải cát trắng và ánh nắng vàng. Đó cũng là nơi cư trú của các làng chài và nơi tắm biển, nghỉ ngơi, dạo chơi của cộng đồng dân cư quần tụ còn thưa thớt cho đến cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên cho đến lúc đó, Cửa Lò vẫn chưa phải là nơi nghỉ mát, tắm biển thực sự quan trọng của các dân cư đất Việt nói chung. Bởi lẽ đó chưa phải là nhu cầu bức thiết của cộng đồng cư dân sinh sống trên địa bàn và dọc mảnh đất Miền trung này. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến Nghệ An. Vinh trở thành một trung tâm công nghiệp, nơi tập trung đông đảo công nhân và cả bộ máy hành chính với đội ngũ viên chức người Pháp, người Việt. Sự thay đổi xã hội đó và những vị thế về cảnh quan thiên nhiên là lý do chủ yếu để người Pháp chọn Cửa Lò làm nơi xây dựng một khu biệt thự nghỉ mát dành riêng cho người Pháp( khu biệt thự này đã bị phá hủy trong chiến tranh).Cùng với việc công nghiệp hóa Thành phố Vinh – Bến Thủy, người Pháp cho xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh: Đường Vinh đi Cửa Hội, Cửa Lò và các điểm nghỉ dưỡng với cách bố trí đảm bảo an toàn và ý nghĩa danh thắng. Bên cạnh các khu du lịch lần lượt ra đời trong thời gian đó: SaPa (1903), Mẫu Đơn (1906), Tam Đảo (1904), Ba Vì (1906), Sầm Sơn (1907), Bạch Mã (1906), Bà Nà (1904)…Ngày 05/06/1907 đã lấy làm ngày ra đời của du lịch Cửa Lò. Điều này khẳng định các giá trị vốn có và lâu đời của du lịch Cửa Lò để có các giải pháp khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng tour du lịch Cửa Lò nghỉ mát thành đô thị du lịch thật sự theo đúng tiêu chuẩn.
Thị xã Cửa Lò ra đời năm 1994.Trải qua hơn 100 năm với những thăng trầm của lịch sử, chỉ chừng 20 năm qua Cửa Lò mới thực sự được đánh thức và đang dần khẳng định vị thế của mình trên lộ trình phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng. Cửa Lò ngày nay đang ngày càng được thay da đổi thịt bởi sự phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, hệ thống khách sạn cao tầng hiện đại và nhiều khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Với cơ sở vật chất hạ tầng hiện có 212 nhà nghỉ, khách sạn, gần 6000 phòng nghỉ đủ phục vụ cho trên 1.3 vạn khách nghỉ qua đêm. Nhờ thế năm 2007, Cửa Lò đã đón trên 1.3 triệu lượt khách trong đó có 811 ngàn khách lưu trú. Năm 2008 đạt 1,4 triệu lượt người. Tỷ trọng kinh tế du lịch chiếm 64.3%.
Nguồn hải sản ở đây rất phong phú, khoảng trên 200 loại cá, nhiều loại đặc sản như: tôm, mực, cua, rắn biển, cá mú… Đến với Cửa Lò, du khách không thể bỏ qua việc thưởng thức các món ẩm thực mang hương sắc vùng biển Miền Trung này. Đó là các món:nước mắm hạ thổ, mọc cua bể, các món mực, cá giò 7 món, ghẹ hấp me, cháo nghêu, cháo lươn…Các món ăn đặc sản này du khách đều có thể thưởng thức ngay tại các nhà hàng và dân dã hơn nữa là ngay tại bãi biển. Lý thú nhất là món ăn mực nhảy (một loại mực ống, nhỏ như ngón tay, khi vớt lên bờ vì còn tươi nên trên lưng có những đốm nháy sáng màu tím), chưa có bãi biển du lịch nào có món ăn này thoảng sẽ có một chiếc thúng vào và bạn có thể đến xem mua những giã mực sim, hoặc tôm cá còn tươi rói, nhảy búng lách tách. Sau đó đưa vào những hàng quán hiếu khách và hấp lên là đã có thể đánh chén một bữa hải sản đáng nhớ.
Hàng năm, cứ đến ngày 1 tháng 5, ngày Quốc tế Lao động cũng là ngày mở lễ hội Sông nước Cửa Lò để khai trương mùa du lịch biển. Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như các trò chơi truyền thống, thi bơi thuyền rất sôi động và tiết mục bắn pháo hoa. Mùa du lịch kết thúc vào cuối tháng 9.
Từ thị xã Cửa Lò, du khách cũng có thể tham gia vào một trong các tour du lịch hấp dẫn khác ở trong và ngoài thị xã như: Kim Liên (Nam Đàn), Quảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh), rừng nguyên sinh Pù Mát (Con Cuông), Lạc Xao (Lào) và Thái Lan. Với những giá trị vốn có và cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, Cửa Lò có thể phát triển nhiều loại hình du lịch với sắc thái ý nghĩa riêng.Du lịch sinh thái: Quý khách có thể đến thăm Đảo Ngư, Đảo Mắt, khu du lịch sinh thái Cửa Hội, Hang Bua, nước khoáng Kim Sơn. Lộ trình du lịch này đã được xây dựng lộ trình, quý khách có thể đến thăm các điểm du lịch đem lại cho du khách sự thoải mái khi hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên Cửa Lò.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét