Núi Tràng Kênh nằm ở phía Bắc huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20km về phía Đông Bắc có bề dày lịch sử văn hóa, đồng thời đây còn là một danh thắng với cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ do hệ thống núi đá vôi và sông ngòi tạo thành. Tràng Kênh, vùng đất cổ được biết đến qua di chỉ khảo cổ học nổi tiếng, hiện còn bảo lưu trong lòng đất.
Tràng Kênh và những vùng núi đá lân cận còn có một giá trị đặc biệt mà nhiều người từng ví như một Hạ Long trên cạn. Hàng trăm quả núi đá trải dài bên các vùng đầm bãi, bến sông đã tạo nên một phong cảnh hết sức hữu tình. Tuy nhiên, vùng núi non tuyệt đẹp này chỉ có giá trị như một mỏ đá vôi và được người ta khai thác triệt để ở Hải Phòng.
U Bò là một ngọn núi trong quần thể đồi núi này, tương truyền đây là nơi Trần Hưng Đạo đã đứng để chỉ huy trận thủy chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Đứng trên núi U Bò, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh sông Bạch Đằng. Sông núi tĩnh lặng, trời nước mênh mang với nhiều huyền thoại làm cho cảnh sắc nơi đây càng thêm hấp dẫn.
Quanh Tràng Kênh có nhiều động kỳ thú. Hang Vua thuộc xã Minh Tân, cao 18m, rộng 10m. Trong hang có nhiều ngách, có suối nước quanh năm trong mát. Gọi là hang Vua vì tương truyền rằng vua Hùng thứ 18 đã lập li cung ở đây. Đền thờ vua Hùng được đặt ở chính giữa hang, tượng vua được tạc bằng đá, trông rất sinh động.
Theo các nhà nghiên cứu, Tràng Kênh là một di chỉ khảo cổ học, một công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá lớn nhất vùng Đông bắc Tổ quốc, có niên đại cách ngày nay gần 4000 năm, thuộc sơ kỳ thời đại kim khí.
Từ buổi khai sơn, phá thạch, tạo dựng cuộc sống, người Tràng Kênh với bàn tay khéo léo đã chế tác ra những đồ trang sức bằng đá tinh xảo, với những vòng tay, hoa tai, chuỗi hạt đa dạng, phong phú, đầy màu sắc. Thông qua các cuộc khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã kết luận rằng: Tràng Kênh cách đây gần 4000 năm đã thực sự là một công xưởng chế tác đồ đá có quy mô lớn, sản phẩm của nó không chỉ được trao đổi ở nội địa, mà còn vượt biển tới các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất này được coi là một phên dậu chống giặc ngoại xâm. Dấu ấn lịch sử để lại đến nay cho biết, Tràng Kênh là một trận địa quan trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 do Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy, đánh tan đội quân xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII. Với các địa danh đã đi vào sử sách dân tộc như núi U Bò, Hoàng Tôn, Phượng Hoàng hay cửa Bạch Đằng, nơi hợp lưu của 3 con sông đổ về, cùng các dấu tích về những trận địa cọc hay những địa danh như Áng Hồ, Áng Lác cho biết vùng đất này đã ghi dấu về một chiến trường do quân và dân triều Trần bày trận đòn đánh quân thù.
Ngày nay dưới chân núi Hoàng Tôn trong hệ thống núi đồi ở Tràng Kênh còn ngôi đền thờ một vị tướng của vương triều Trần. Đó là đền thờ Trần Quốc Bảo. Ông thuộc tôn thất nhà Trần có công trong trận Bạch Đằng năm 1288, khi mất được nhân dân địa phương lập đền thờ. Theo nội dung tấm bia dựng vào niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) đời vua Lê Thần Tông, ngôi đền được xây dựng ở nơi có thắng cảnh đẹp vào hạng thứ nhất của xứ Hải Dương.
Tràng Kênh – Bạch Đằng, một địa danh lịch sử từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân thành phố Hải Phòng như một ký ức không thể nào quên về một chiến công vĩ đại chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cách đây trên 7 thế kỷ.
Cùng với nhiều di sản mang những nội dung lịch sử văn hóa có giá trị, Tràng Kênh – vùng đất thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh năm 1962.
Hội Ngộ Du Lịch – Tổng hợp từ nhiều nguồn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét