Động Tam Thanh và chùa Tam Thanh là di tích lịch sử văn hoá, danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng với câu ca dao:
“Đồng Đăng có phố Kỳ LừaCó nàng Tô Thị, có chùa Tam ThanhAi lên xứ Lạng cùng anh,Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”
Trong động Tam Thanh có chùa, gọi là chùa Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. Trong cuốn “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử quán triều Nguyễn có viết rằng: “Chùa này nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, cửa mây nhũ đá trong sạch, không bụi trần. Người địa phương cùng người Minh Hương tô tượng phật phụng thờ, lại có tên nữa là Chùa Thanh Thiền”.
Về niên đại: Qua các tài liệu thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Tam Thanh có từ thời Lê. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở chùa hiện nay là bia “Trùng tu Thanh Thiền động”, được chế tác vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nội dung tấm bia ghi chép về việc trùng tu di tích, quá có có thể nói rằng chùa này đã có từ trước đó.
Về tên gọi: Theo các nhà nghiên cứu cho rằng: Nơi này, xưa kia nguyên là nơi thờ tự của Đạo Giáo, do vậy Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Đây là ba cung Thanh cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản, đó là Nguyên Thủy Thiên Tôn (Ngọc Thanh Đại Đế), Linh Bảo Thiên Quân (Thượng Thanh Đại Đế), và Đạo Đức Thiên Tôn (Thái thượng Lão Quân). Sau này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Đạo Giáo mờ nhạt trong tâm thức dân chúng địa phương, người ta đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào thờ ở trong chùa là chính. Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Tam Bảo (thờ Phật), Cung Đức Ông, Cung Công đồng Thánh Mẫu, Cung Ngũ Dinh, Cung Cấm (nơi thờ ADi Đà), Cung Sơn Trang. Trong động Tam Thanh hiện nay, các dấu tích của Đạo Giáo chỉ còn lại cái tên Tam Thanh và ngày lễ hội chính của Chùa là ngày 15 tháng Giêng cũng là một biểu hiện Đạo Giáo khi xưa (một ngày lễ hội lớn trong Đạo Giáo).
Chùa Tam Thanh nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật của di tích. Hiện nay trong chùa còn có một hệ thống bia Ma Nhai khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở di tích là tấm bia được Binh Sứ Bắc Quân Đô Phủ, Đô Đốc Thiên Sự Vũ Quận Công Vi Đức Thắng tạc khắc vào thời Lê – Vĩnh Trị thứ 2 (1677) bia có tên là: “Trùng tu Thanh Thiền Động” nội dung bia ghi lại việc hưng công trùng tu di tích này của ông. Tấm bia cổ tiếp theo là của tác giả Ngô Thì Sĩ tạc vào năm Kỷ Hợi (1779) là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích. Ngoài ra là hai bài thơ của hai vị quan triều Nguyễn (Đoàn Đình Duyệt và Tôn Thất Tố) cho tạc khắc khi theo giá vua khải Định năm 1918 ra tuần thú miền Bắc, nội dung ca ngợi vẻ đẹp danh thắng này. Tại di tích hiện còn có tấm bia chữ Nôm do tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924, bia có nội dung ca ngợi cảnh đep của di tích và được phiên âm với nội dung:
“Xanh xanh xanh ngắt trấn thành TâyCảnh động này xây lắm vẻ sayNon nước đi về quen bóng hạcGió mây đưa đón thoảng làn mâyGiá trong bể hoạn gương còn tỏLửa ngất non tình đá cũng ngâyTrải mấy tang thương lầm bụi tụcRượu bầu thơ túi vẫn là đây”
Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích.
Đi sâu vào trong Động, ở khu trung tâm có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng nước chảy suốt ngày đêm, trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: cây Ngô Đồng, Tiên Ông, Sư Tử, Voi… Đi vào bên trong ta bắt gặp một sân khấu nhỏ, xung quanh có những nhũ đá nhiều hình thù khác nhau do thiên nhiên tạo nên, có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá đẹp lạ thường. Cạnh khu vực sân khấu có lối dẫn lên cổng trời, tại đây ta có thể đứng ngắm nhìn quang cảnh của một vùng nông thôn quanh khu vực di tích. Phía ngoài cửa động Tam Thanh hiện nay còn có nhà sàn và mô hình cọn nước, cối giã gạo đặc trưng của người dân tộc Tày Lạng Sơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét