Cầu " Chắc Cà Đao" (An Giang)

Em là gái Chắc Cà Đao
Xứ quê xa lắm anh nào có hay
Thương anh còn một chút này
Gửi thuyền cho bến, gửi mây cho trời
Gặp đây là chút tình thôi
Cõng nhau đi trọn kiếp đời mai sau...(1)
Anh nào đọc mấy câu thơ trên chắc là muốn đến Chắc Cà Đao xem em gái ấy dễ thương thế nào mà thơ nghe thật trữ tình da diết, nhưng cũng có thể giật mình vì cái địa danh nghe cứ như... tắc kè tặc lưỡi thế này. 

Có lẽ ai đó một đôi lần trong đời có nghe nhắc đến địa danh Chắc Cà Đao như để ví một nơi nào đó xa lắc, quê mùa, có khi chỉ với mục đích gây cười là chính, nhất là các tiểu phẩm hài miền Nam: “Nhà nó ở tận... Chắc Cà Đao!”. Vậy Chắc Cà Đao có thật không và nếu có thì ở đâu? Có, và hôm nay tôi lại về Chắc Cà Đao.
Những ai đi Châu Đốc thường ngang qua địa danh này, từ Long Xuyên theo quốc lộ 91 đến thị trấn An Châu thuộc huyện Châu Thành, chỉ hơn 6 cây số sẽ gặp một cây cầu tên là cầu Chắc Cà Đao, bắc ngang qua con kênh cùng tên. Vùng đất hai bên con kênh dài hơn 15 cây số này được gọi là làng Chắc Cà Đao, nhưng bây giờ ít ai dùng địa danh có nguồn gốc Khơme ấy nữa, người ta thích dùng tên “sang” hơn, tùy vị trí, khi là thị trấn An Châu, khi là xã Hòa Bình Thạnh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Lần đầu tiên đến đây, năm 2007, tôi chưa hề biết vùng này có tên là Chắc Cà Đao. Sinh kế chủ yếu của cư dân vùng này tại thời điểm đó là sản xuất gạch, theo phương pháp nung thủ công, hầu hết các công đoạn sản xuất từ vận chuyển nguyên liệu đất sét, làm gạch mộc, xếp gạch mộc vào lò, dỡ gạch từ lò chuyển ra bãi chứa, chuyển gạch từ bãi chứa xuống kênh... tất cả đều sử dụng “động cơ” chạy bằng... cơm và 99% lao động là phụ nữ và trẻ em! Ngạc nhiên hỏi anh Nguyễn Ngọc Tâm, chủ của lò gạch Nam Hùng về lao động ở đây, anh Tâm không trả lời mà chỉ cười và đọc hai câu thành ngữ:
Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng,
Cùm tay bự hơn cùm chưn!
Nghĩa là sao?
- Vùng này xưa tên là Chắc Cà Đao, anh không thấy lao động thủ công từ nhỏ tới lớn, bưng bê suốt ngày như dzậy thì cùm tay bự hơn cùm chưn (chân) à?
À, nghe có lý! Tất nhiên là thực tế không đến nỗi bắp tay lớn hơn bắp chân, nhưng hai câu thành ngữ với một chút thậm xưng ấy đủ nói lên nỗi vất vả của người dân ở những vùng đất này, Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng.
Thật ra có người đọc là “Cùm chưn bự hơn cùm tay” và cho rằng “Đó là một câu nói vui, một dạng chơi chữ vô thưởng vô phạt” (2). Trao đổi với nhiều người tại An Giang cũng không ai chắc... cái nào bự hơn cái nào. Ở đây tôi không có ý định tranh luận ngữ nghĩa của hai câu thành ngữ trên, nhưng về mặt hiện thực cuộc sống và “yếu tố kỹ thuật”, tôi ủng hộ cách nói thậm xưng “Cùm tay bự hơn cùm chưn!”. Nếu nói “Cùm chưn bự hơn cùm tay” chỉ để “chơi chữ” với “Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng” cho vui, tôi nghĩ vậy thì “hơi bị” bình thường!
Làng quê tên Mặc Cần Dưng
Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao.
Dưới kia là Chắc Cà Đao,
Cách tám cây số không sao lạc đường.
Xuống kinh qua tới bờ mương,
Nhà tôi mát rượi, cá lươn rất nhiều.
Nuôi nhiều ăn chẳng bao nhiêu,
Dành khi có khách sẽ chiêu đãi liền.
Mong sao gặp được bạn hiền,
Chén thù chén tạc thì tiên cũng hàng.
Bao giờ có dịp đi ngang,
Viếng Bà Chúa Xứ, ghé làng mình chơi
...(3)
Mặc Cần Dưng cũng là một địa danh có nguồn gốc Khơme và cũng chuyên sản xuất gạch thủ công như Chắc Cà Đao. Đọc thơ nghe toàn ăn chơi thấy ghiền, “tưởng chuyện sướng” không à, nhưng thực tế cuộc sống hàng ngày của cư dân ở đây không được an nhàn như vậy...
Thống kê năm 2010 cho thấy vùng này có gần 500 lò gạch thủ công, sản xuất ra 100 triệu viên gạch mỗi tháng và giải quyết việc làm cho 2.500 lao động. Năm nay trở lại, sự nhộn nhịp một thời không còn nữa, những đám khói lò mịt mù nghi ngút một thời giờ bỗng thấy hiếm hoi, mặc dù vẫn còn đó những phụ nữ, những trẻ em vẫn cố oằn lưng cõng gạch vì cuộc mưu sinh. Nghe nói người ta dần bỏ nghề hết rồi, cứ 10 lò thì “treo” hết 8 lò, nghĩa là gần 2.000 người đã mất việc làm ở làng này, vì một lý do ít ai ngờ tới: giá trấu tăng lên chứ không còn rẻ hoặc miễn phí như xưa nữa... Các lò nung thủ công này đốt bằng trấu và thiết kế không hiệu quả về mặt năng lượng, trấu giờ “bỗng dưng” có giá do khan hiếm về nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là than đá), gạch sản xuất thủ công không cạnh tranh nổi gạch tuy-nen, và sự suy tàn của các lò gạch thủ công đốt trấu đang diễn ra không chỉ ở Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng mà còn nhiều nơi khác ở miền Tây...
Trước đây tỉnh An Giang đã có chương trình chuyển đổi công nghệ cho các làng nghề gạch thủ công, trong đó có Chắc Cà Đao, dự kiến di dời các lò gạch vào các khu sản xuất tập trung để cải thiện môi trường với thời hạn là năm 2010, nhưng không đạt mục tiêu, sau đó kéo dài đến năm 2015. Thực tế đã có lò gạch thủ công như của anh Tâm chuyển đổi công nghệ tại chỗ theo hướng tiết kiệm năng lượng: giảm được hơn 50% lượng trấu và kiểm soát khí thải tốt hơn so với lò thủ công cũ, nhờ đó vẫn kiểm soát được chi phí sản xuất và hoạt động vẫn ổn định. Nhưng đại đa số người dân ở đây không đủ nguồn lực như anh Tâm, điều kiện tiếp cận tài chính hạn chế và chính sách hỗ trợ không phù hợp, nên đành chịu bó tay. Nay có lẽ khỏi cần thực hiện chương trình này nữa, quy luật đào thải cũng sẽ xóa xổ làng nghề. Những trẻ em, những phụ nữ ở đây sẽ chẳng còn phải oằn lưng cõng gạch, nhưng có lẽ họ sẽ phải tiếp tục oằn lưng vì công việc khác cho miếng cơm manh áo để tiếp tục “bao nhiêu năm làm kiếp con người”...
Nói về trấu, trước đây, các cơ quan quản lý môi trường phải vất vả túc trực hàng đêm tại các nhà máy xay xát để cố gắng ngăn ngừa người ta thải trấu xuống sông, xuống kênh, nhưng trấu...“nhiều như trấu” thì nhân lực đâu ra mà quản lý cho xuể? Trấu được xem là một vấn nạn môi trường tại nơi được mệnh danh là vương quốc lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi đóng góp 50% sản lượng lúa của cả nước. Các nhà máy xay xát xem trấu là “của nợ”, phải trả tiền để được người ta đem ghe đến chở trấu đi.
Nhưng những câu chuyện về vấn nạn trấu ấy đã thay đổi trong vòng hai năm trở lại đây, trấu bây giờ đã có giá. Chị Lan, chủ một nhà máy xay xát tại Chợ Mới, An Giang, cho biết: “Vụ đông xuân năm 2015, trấu được mua tại nhà máy xay xát với giá 600.000 đồng/tấn. Vụ thu đông năm 2014, sản lượng lúa thấp hơn, trấu thành “hiếm”, có lúc lên giá 1.000.000 đồng/tấn nhưng không đủ để bán”. Vậy là các nhà máy xay xát nay đã có thêm doanh thu từ bán trấu. Nói cách khác, trấu đang được đổi đời. Nhờ đó, các cơ quan quản lý môi trường “bất chiến tự nhiên thành”, không còn nỗi lo trấu thải, vì nay trấu là tiền. Câu ca dao “Xay lúa Đồng Nai, cơm gạo về ngài, tấm cám về tôi” có lẽ cần được cập nhật thêm một “điều khoản hợp tác”: trấu về ai?
Trấu đã bắt đầu lên tiếng sau hàng ngàn năm “im như thóc”. Dự báo rằng, trong vòng 50 năm tới, cơ cấu của ngành công nghiệp lúa gạo, không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, sẽ thay đổi nhờ việc tận dụng trấu như là một nguồn nhiên liệu thay thế, một loại tài nguyên tái tạo có giá trị. Sự đổi đời của trấu bắt đầu từ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong “cuộc chiến” giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong hơn 20 năm qua, tính từ khi Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được ký kết bởi 155 quốc gia vào tháng 6-1992 tại Rio de Janeiro, Brazil. Trong đó, tăng cường sử dụng năng lượng sạch để góp phần giảm phát thải khí nhà kính là một lựa chọn ưu tiên.
Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “củi trấu”, “viên trấu”, “máy ép củi trấu”..., sẽ có vài ngàn đến vài chục ngàn kết quả được hiện ra, nào là giới thiệu sản phẩm củi trấu, viên trấu, nào là “gương điển hình tiên tiến”, “tỉ phú củi trấu”, “vua củi trấu”, “anh hùng trấu”... Đã xuất hiện những loại hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) chuyên đầu tư và vận hành các lò hơi đốt trấu để cung cấp nhiệt cho các nhà máy công nghiệp, thay cho từng nhà máy phải tự đầu tư và vận hành những lò hơi đốt than, đốt dầu... Anh Bùi Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Gạo An Việt, đơn vị đang sở hữu một nhà máy sản xuất trấu viên tại Long Xuyên, An Giang, kể rằng có nhiều khách hàng nước ngoài tham khảo thông tin trên trang web của công ty và tự tìm đến tận nơi để đặt những đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn, nhưng công ty không đáp ứng nổi. Sản phẩm trấu viên Việt Nam hiện đang được các nhà nhập khẩu đến từ các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... săn lùng để cung cấp cho các lò công nghiệp và dân dụng (lò sưởi, lò sấy, lò hơi...).
Ngồi quán bên dòng kênh Chắc Cà Đao, tiếp tục đàm luận với anh chị chủ quán về “cùm” nào bự hơn “cùm” nào. Vẫn gặp đó những người dân quê hiền hòa, vẫn gặp đó những trẻ em vô tư vẫy vùng trong dòng nước, lác đác vài ba học sinh đạp xe đi học về, lộc cộc chiếc xe trâu thủng thẳng trên đường làng mặc cho ai đó muốn vội vã vượt qua...
Share on Google Plus

About Nhật Minh Nghiêm

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét