Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột, tiếng Ê Đê: Buon Ama Thuot) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Cha Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuột (A ma là Cha; Thuột là tên Con; người Ê Đê khi có con trai, thì họ gọi nhau bằng tên của con trai mình, ở đây A ma Thuột nghĩa là Cha của Thuột và thường gọi là Cha Thuột) - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.
Lịch sử
Thuở xưa, đây là vùng đất của người Ê Đê Kpă với khoảng 50 nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng A Ma Thuột cai quản với các Buôn: Buôn Ako Tam, Buôn Kmrong Prong, Buôn Păn Lăm, Buôn Ako sier, Buôn Ale, Buôn Cư dlue...xuôi theo dòng Êa Tam đổ ra sông Krông Ana nghĩa là sông mẹ (Sêrêpôk)
Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, năm 1904, khi tỉnh Đắk Lắk được thành lập, Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh này thay cho Bản Đôn.
Ngày 5 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, thị xã này có tên là Ban Mê Thuột.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam bất ngờ tiến đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến tới việc đánh bại Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau năm 1975, thị xã Buôn Ma Thuột có 7 phường: Tân Lập, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thống Nhất, Tự An và 22 xã: Cư ÊBur, Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Bông, Ea Kao, Ea Na, Ea Nuôl, Ea Po, Ea Tam, Ea Tiêu, Ea T'ling, Ea Tu, Hòa Đông, Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hòa Thuận, Hòa Xuân, Nam Dong, Quảng Điền, Tâm Thắng, Trúc Sơn.
Ngày 19 tháng 9 năm 1981, tách 4 xã: Ea Bông, Ea Na, Quảng Điền, Ea Tiêu để thành lập huyện Krông Ana.[1]
Ngày 19 tháng 6 năm 1990, tách 5 xã: Ea T'ling, Tâm Thắng, Trúc Sơn, Ea Po, Nam Dong để thành lập huyện Cư Jút.[2]
Ngày 21 tháng 1 năm 1995, chuyển thị xã Buôn Ma Thuột thành thành phố Buôn Ma Thuột; chuyển xã Ea Tam thành phường Ea Tam; thành lập phường Khánh Xuân; chuyển 3 xã: Cuôr Knia, Ea Nuôl, Ea Bar về huyện Buôn Đôn quản lý; chuyển 3 xã: Hòa Phú, Hòa Xuân, Hòa Khánh về huyện Cư Jút quản lý; chuyển xã Hòa Đông về huyện Krông Pắk quản lý.[3]
Ngày 18 tháng 11 năm 1996, chia phường Tân Lập thành 3 phường: Tân Lập, Tân Hòa và Tân An; chia phường Thắng Lợi thành 2 phường: Thắng Lợi và Tân Lợi; chia phường Thống Nhất thành 2 phường: Thống Nhất và Thành Nhất.[4]
Ngày 2 tháng 1 năm 2004, chuyển 3 xã: Hòa Phú, Hòa Khánh, Hòa Xuân thuộc huyện Cư Jút (sau khi chuyển huyện Cư Jút về tỉnh Đắk Nông mới thành lập) về thành phố Buôn Ma Thuột quản lý.[5]
Ngày 28 tháng 2 năm 2005, thành phố Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại 2.[6]
Ngày 9 tháng 2 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.[7]
Điểm Tham Quan
Buôn Ako Dhong
Ako Dhong hôm nay đã khang trang. Các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên, lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài. Sắc màu của vùng đất cao nguyên vẫn luôn thắm mãi ở buôn Ako Dhong, đã hấp dẫn nhiều lượt du khách khi đặt chân đến vùng đất bazan này. Không những thế chủ làng Ama Rin còn đang tính đến việc tạo ra những ngành nghề phụ để bà con trong buôn cải thiện đời sống. Ước nguyện của Ama Rin cũng như của đồng bào Ako Dhong là làm thế nào trong tương lai, tiếp tục ổn định đời sống và nâng cao văn hóa của buôn, nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh…
Đình Lạc Giao
Đình Lạc Giao nằm trong địa phận phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, với diện tích 700m2, phía Nam giáp đường Y Jút, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình Lạc Giao là di tích lịch sử về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên Cao Nguyên Daklak, là nơi thờ thần hoàng và những người có công với nước, là nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt.
Đình được xây dựng vào năm 1928, bằng tranh tre theo tập tục của người Kinh xa quê hương đến lập nghiệp ở vùng đất mới. Theo lời các bô lão làng Lạc Giao, năm 1932 ngôi đình được xây dựng lại bằng gạch lợp ngói theo hình chữ môn, kiểu kiến trúc lòng thuyền trí trụ, hồi văn, mái bồ câu, trên y môn khắc chạm tứ linh, tứ quý, bờ nóc đấp lưỡng long hàm thực, mái trung đắp cách điệu lưỡng áng vân vọng nguyệt, gốc mái hiên hồi đắp áng vân cách điệu. Hậu đình thờ tự Thần Hoàng và những người có công với nước, hai nhà tả và nhà hữu hai bên dùng làm nơi hội họp mỗi khi tế lễ, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn.
Vào năm 1932, vua Bảo Đại cũng ra chiếu sắc phong cho Thần Hoàng của Đình là Đào Duy Từ là một đại thần của nhà Nguyễn chưa một lần đặt chân tới Cao Nguyên. Việc vua Bảo Đại sắc phong cho ông là Thành Hoàng của Đình Lạc Giao là muốn ghi ơn người có công khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi, mong ông phù hộ cho những người dân miền Trung lên lập nghiệp trên quê mới. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, điều này thể hiện sự tranh giành ảnh hưởng của triều đình phong kiến Việt Nam đối với chế độ tự trị Tây Nguyên của thực dân Pháp, khẳng định đây là đất của “Hoàng Triều cương thổ”.
Ngày nay, theo tài liệu dân gian và tài liệu của đình Lạc Giao, tên gọi Lạc Giao chính là lời nguyền giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào tại chỗ cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ, dân làng Lạc Giao đều tới đây để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt cho mình và cho dân làng.
Cây Kơ nia cổ thụ
Cây Kơ nia ở nhà văn hóa trung tâm (Ảnh – hachi8) |
Cây Kơ nia, hay còn gọi là Cốc, Cầy, là một loài cây thân gỗ lớn, cao 15–30 m, đường kính 40–60 cm, tên khoa học là Irvingia malayana, thuộc họ Irvingiaceae. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hoá trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét.
Khu du lịch hồ Ea Kao
Nằm các trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12km đường ôtô về hướng đông, khu du lịch hồ Ea Kao với quy mô 120ha, được đầu tư xây dựng trên khu vực có địa hình tương đối đa dạng, có nhiều triền đồi, khe với độ cao chênh lệch không nhiều. Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, thảm thực vật, cây xanh, nguồn nước … Khu du lịch hồ Ea Kao là nơi lý tưởng để khách du lịch gần xa nghỉ ngơi, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên
Công viên nước Đăk Lăk
Công viên nước Đăk Lăk là một trong những công viên nước hiện đại với nhiều trò chơi hấp dẫn bậc nhất khu vực Tây Nguyên, công viên nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh phường Tân An, cách trung tâm Tp Buôn Ma Thuột khoảng 4km
Công viên được trang bị nhiều trò chơi cảm giác mạnh, một dòng sông lười với chiều dài 487m chạy bao quanh công viên, ngoài ra công viên cũng có các khu vui chơi dành riêng cho trẻ em.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét