CHùa Linh Quang (Đảo Phú Quý-Bình Thuận)

Chùa Linh Quang tọa lạc tại xã Tam Thanh Huyện Đảo Phú Quý. Do ông Nguyễn Cánh sáng lập năm Cảnh Hưng thứ tám (1747). Sau khi ông Nguyễn Cánh qui tịch, người kế thừa là ông Nguyễn Khách. Ban đầu Chùa Linh Quang chỉ là một thảo am do Ngài Nguyễn Cánh dựng lên để làm nơi tu hành, đồng thời cũng là nơi nương tựa tâm linh giữa biển khơi mênh mông của người dân xứ Đảo. Theo Thiền phả Chùa Linh Quang còn lưu giữ lại cho biết trước khi qui tịch ông Nguyễn Cánh đã giao lại cho con là Nguyễn Khách ngôi thảo am này với một số pháp khí: 3 bộ kinh, 12 pho tượng Quan Thế Âm bằng đồng, 1 pho tượng Địa Tạng bằng gỗ, 1 chuông đồng, 19 đĩa sứ, 10 chén sứ và 6 cổ bòng bằng sứ.


Cuối thế kỷ XVIII, Chùa đã bị hỏa hoạn, những pháp khí này đã bị tiêu hủy chỉ còn lại một ít tượng Phật (hiện nay vẫn còn lưu giữ ở Chùa). Chùa Linh Quang đã được dân làng trùng tu nhiều lần.

Lần thứ nhất vào năm 1941.

Lần thứ hai vào năm 1956.

Lần thứ ba vào năm 1972.

Lần thứ tư đại trùng tu vào năm 1992. Công cuộc trùng tu này rất qui mô, tạo thành một quần thể kiến trúc thẩm mỹ, vừa duy trì đường nét cổ kính, vừa mang tính hiện đại. Chùa được xây dựng quay về hướng Tây, bố trí theo dạng chữ Đinh gồm tòa Chánh điện, cổng Tam Quan, nhà Hội quán và nhà Tăng .

Tòa chánh điện là công trình kiến trúc chính của Chùa với kiểu dáng và hình khối có tính thẩm mỹ cao, phía trước có cổ lầu là điện thờ Phật, ở trung tâm điện thờ Phật lại nổi lên tòa cổ lầu thứ hai, trên nóc những cổ lầu này được trang trí lưỡng long tranh châu, rồng phượng uyển chuyển, mềm mại giữa bầu trời xanh bao la, làm cho người ngắm cảnh thấy thanh thoát trong lòng.

Chánh điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tả hữu là Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, bậc thấp hơn tôn trí 3 pho tượng Phật cổ, đó là tượng Phật Thích Ca bằng san hô, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí bằng đồng. Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá là chứng tích linh thiêng của Chùa. Tương truyền rằng: Khi mới tạo dựng Chùa, dân làng thường thấy ở eo biển Hòn Tranh có một tảng đá san hô thường nổi lên vào những ngày lành tháng tốt. Dâu chúng thấy điều lạ liền cầu nguyện Đức Phật và đã vớt được tảng đá này, đem về Chùa Linh Quang tạc pho tượng Phật Thích Ca để thờ. Chỗ tảng đá nổi ngày ngay người ta gọi là “Vũng Phật”.
Bàn bên tả chánh điện thờ Bồ Tát Chuẩn Đề, bàn bên hữu thờ Quan Thánh Đế Quân, chung quanh tượng phía trước chánh điện chạm 12 bức phù điêu diễn tả lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Chánh điện được trang trí hoành phi, liễn đối, bao lam được sơn son thiếp vàng rất rực rỡ.

Câu đối ở chánh điện:

Đạo tràng trang nghiêm, hồng ân chiếu diện tín hữu trụ viên đàng.

Tam Bảo huy hoàng, Từ Quang phổ độ chúng sanh thường an lạc.

Tạm dịch:

Đạo tràng trang nghiêm, ơn sâu soi xét cho đạo hữu sum họp với nhau.

Ngôi Tam Bảo sáng lạng, cứu độ chúng sanh mãi an vui.

Nhà Tổ, chính giữa là khám thờ Tổ được chạm khắc lộng lẫy, thờ Tổ Thông Ân Hữu Đức và Long vị Chư Tôn Hòa Thượng người gốc Đảo, xuất phát từ Chùa Linh Quang và đi hoằng hóa khắp nơi trong đất liền như Hòa Thượng Quảng Thành, Vĩnh Sung, Tường Vân, Tục Huệ, Tường Quang…

Đặc biệt có một Long vị thờ Ngài sáng lập ghi “Đại Thí Chủ khai sơn Linh Quang Tự Tánh húy Nguyễn Cánh, Nguyễn Khách chơn linh”.

Hai bên bàn Tổ là khám thờ Chư tiên linh, đối diện với bàn Tổ là khám thờ Ni sư Như Nhiếp, vị Ni sư theo truyền thuyết đã tu hành chứng đạo, có thần thông tự tại. Ni sư đã đến hoằng hóa ở Chùa Linh Quang một thời gian sau đó ẩn hóa nơi nào không ai biết.

Chùa hiện còn lưu giữ rất nhiều cổ vật, ngoài một số pho tượng đồng, gỗ, đá có một Đại Hồng Chung do Hòa Thượng Quảng Thành tạo 5 Đạo Sắc do các Vua triều Nguyễn: Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định sắc phong.

Chùa Linh Quang có thể nói là một trong những ngôi Chùa cổ xưa nhất ở Đảo Phú Quý, là một Tổ Đình có nhiều đời Hòa Thượng xuất thân từ đây. Hiện nay Chùa do Ban hộ tự quản lý trông nom.
Share on Google Plus

About Nhật Minh Nghiêm

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét