Nằm bên bờ sông Tiền, thuộc thị xã Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là điểm đến thu hút đông đảo du khách mỗi khi ghé thăm tỉnh Đồng Tháp
Nét đặc biệt của ngôi nhà cổ này là sự giao thoa kiến trúc Việt-Pháp-Hoa cùng câu chuyện tình lãng mạn giữa nữ văn hào Pháp Marguerite Duras với công tử họ Huỳnh.
Khi chúng tôi đến đây, đoàn du khách Australia hơn 40 người đang chăm chú ngồi nghe cô hướng dẫn viên của Công ty cổ phần Du lịch VNTOUR giới thiệu về ngôi nhà và chuyện tình giữa nữ văn hào Pháp Marguerite Duras và ông Huỳnh Thủy Lê.
Khi chúng tôi đến đây, đoàn du khách Australia hơn 40 người đang chăm chú ngồi nghe cô hướng dẫn viên của Công ty cổ phần Du lịch VNTOUR giới thiệu về ngôi nhà và chuyện tình giữa nữ văn hào Pháp Marguerite Duras và ông Huỳnh Thủy Lê.
Cái không khí sầm uất ở khu phố Sa Đéc dọc bờ sông Tiền trong buổi chiều muộn càng làm cho du khách cảm nhận được cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp ngày nào.
Ngôi nhà cổ này được xây dựng năm 1895 bằng vật liệu chính là gỗ. Mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên đầu cong vút hình chiếc thuyền, tượng trưng cho miền sông nước Tây Nam Bộ.
Năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha ông Huỳnh Thủy Lê) cho trùng tu lại ngôi nhà mang dáng dấp một biệt thự Pháp, kết hợp hài hòa giữa hai lối kiến trúc Đông-Tây. Từ đó đến nay, mặc dù đã hơn 100 năm nhưng ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn.
Ngôi nhà là một công trình kiến trúc khác lạ. Phía ngoài ấn tượng với lối kiến trúc Pháp qua các chi tiết mặt tiền, trần nhà, khung cửa sổ. Những bức tượng, phù điêu đắp nổi được trang trí theo kiểu Phục hưng. Vòm cửa cong vòng theo lối kiến trúc La Mã, cửa sổ với khối kính nhiều màu kiểu Gothic đón ánh sáng. Nhìn từ ngoài vào ngôi nhà, du khách thấy sự uy nghiêm, bề thế, cho thấy gia chủ là người rất giàu có và uy quyền.
Tuy nhiên, vào trong ngôi nhà, du khách lại có cảm giác yên bình và thân thuộc. Lối kiến trúc phương Đông thể hiện sự mềm mại qua những đường nét chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ hình chim muông, cây trái, tùng, cúc, trúc, mai trên gỗ quý. Điều đặc biệt là các họa tiết đó lại khắc họa cảnh sông nước Nam bộ sầm uất, cây trái xanh tươi, tượng trưng cho vùng đất trù phú.
Ngôi nhà được chia thành ba gian, gian giữa thờ Quan Công theo văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Hoa. Hai gian hai bên là nơi tiếp khách cùng hai phòng ngủ, một hành lang rộng dẫn xuống nhà dưới. Nền nhà cao ráo, lát gạch hoa, tường xây bằng gạch đặc dày 30cm-40cm, bao lấy kết cấu khung gỗ, làm tăng khả năng chịu lực. Tất cả vật liệu này đều được mang từ Pháp về để xây dựng.
Ngôi nhà này là nơi đây bắt đầu cho một câu chuyện tình giữa gia chủ và nữ văn hào Pháp Marguerite Duras.
Cuối năm 1929, trên chuyến phà Mỹ Thuận chạy ngang sông Tiền, ông Huỳnh Thủy Lê thấy một giai nhân nổi bật có nước da trắng, tóc nâu vàng, dáng người cao ráo, đứng lơ đễnh trên phà nhìn những đám lục bình trôi tản mạn trên sông.
Ông đã chủ động đến làm quen với cô gái và cả hai đều trúng“tiếng sét ái tình.” Tình yêu ấy kéo dài gần hai năm trong bí mật và kết thúc trong nước mắt khi ông Huỳnh Thủy Lê phải cưới một cô gái đã được cha ông an bài từ trước. Nhìn tình nhân cưới người khác, Marguerite Duras đau khổ tột độ, quyết định cùng gia đình lên tàu trở về nước Pháp.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Marguerite Duras vẫn ôm nặng mối tình ấy. Trong dòng hồi tưởng, nữ văn sĩ đã viết nên tiểu thuyết “Người tình” (tên tiếng Pháp là L’amant, xuất bản năm 1984) để kể về cuộc tình trắc trở của bà.
Đến nay, tiểu thuyết “Người tình” được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Năm 1992, đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annaud cho ra đời bộ phim cùng tên dựa theo tiểu thuyết của bà. Bộ phim công chiếu đã nhận được nhiều sự tán thưởng của khán giả khắp nơi trên thế giới.
Tiểu thuyết “Người tình” và bộ phim cùng tên ngày càng nổi tiếng thì nhà cổ Huỳnh Thủy Lê lại càng được du khách năm châu quan tâm, tìm hiểu. Rất nhiều đoàn khách nước ngoài từ Pháp, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh đã đến đây và rất thích thú.
Năm 2009, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét