Cao nguyên Đá Đồng Văn (Hà Giang)


Nhiều du khách có mong ước được một lần đặt chân đến Hà Giang - vùng đất biên cương huyền thoại mà ở đó có cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp hùng vĩ, Lũng Cú nơi được xem là “nóc nhà Việt Nam”... Tháng 10/2010, cao nguyên trùng điệp này đã được công nhận là Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn và chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu càng làm tăng sức hấp dẫn của một điểm đến kỳ thú…
Với độ cao trung bình gần 1600m so với mực nước biển, tổng diện tích 2.530km2 trải rộng trên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, cao nguyên đá hội tụ những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng, có giá trị khoa học phong phú và chứa đựng trong mình những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Những địa danh trên cao nguyên đá xám trùng điệp
Từ thị xã Hà Giang lên Lũng Cú thuộc huyện Đồng Văn, nơi được coi là nơi địa đầu của Tổ quốc có quãng đường dài 200km. Cột cờ Quốc gia Lũng Cú với lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam nằm trên chóp đỉnh núi Rồng (Long Sơn), được thiết kế theo hình bát giác, chân bệ có phù điêu đá xanh mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn và minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Nằm ẩn mình trong thung lũng mây Sà Phìn, sau những tán sa mộc thẳng tắp vươn mình cao vút, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia nhà Vương từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi lên thăm cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là một công trình độc đáo, được làm với những chất liệu như đất sét, đá, gỗ… cụ thể tường được trình bằng đất sét, móng nhà làm bằng đá, bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ, mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ “thọ”. Trải qua gần trăm năm, bao mưa nắng, gió bão, có chỗ đã bị thời gian mài mòn, hoang phế, nhưng về cơ bản đến nay nhà Vương vẫn giữ được hình dáng xưa cũ.

Chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng điệp, Mã Pì Lèng được du khách coi là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pì Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một “Tượng đài địa chất”. Đi trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.

Mã Pì Lèng có nghĩa là sống mũi ngựa, được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Đây là cung đường đèo hiểm trở, vượt đỉnh Mã Pì Lèng cao khoảng 2.000m, thuộc cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Đặc sắc văn hóa truyền thống
Giữa muôn trùng núi đá kỳ vĩ Đồng Văn, truyền thống văn hóa đặc sắc trong nếp sống của các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo… tạo nên sức hấp dẫn đối với những du khách trong và ngoài nước. Những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm trong khu phố cổ Đồng Văn đã lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của người dân nơi đây.

Chợ phiên Đồng Văn, Sà Phìn tấp nập đông vui, họp mỗi tuần một phiên. Từ sớm tinh mơ đã nghe lọc cọc trên đường tiếng xe ngựa thồ hàng ra chợ của lái buôn, tiếng người gọi nhau í ới. Cả gia đình cùng xuống chợ. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn… khiến những du khách phương xa như mê mẩn, lạc đi trong rực rỡ sắc màu và ngập tràn thanh âm đặc trưng của những phiên chợ vùng cao. Cũng gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa theo đúng nghĩa, Khau Vai là chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên thế giới...

Chợ tình Khau Vai được họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch.
“Đợi anh hết mùa lạnh, đợi anh qua mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pì Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…”
Như một lời ước hẹn, ngày 26/3 Âm lịch hằng năm, từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình lại xuống chợ. Trước đây chợ tình Khau Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây, nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai.
Sự đan xen giữa nét nên thơ và hùng vĩ của cảnh sắc và con người trên những dãy núi đá trập trùng đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho cao nguyên Đồng Văn.

Xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng, của thắng cố và men rượu mật ong, rượu ngô thơm nồng, cái náo nhiệt buổi chợ phiên, tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông quyến rũ người tình, tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa nồng đượm đêm dài... đang mời gọi những hành trình khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của đất nước.
Share on Google Plus

About Nhật Minh Nghiêm

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét