Thiên nhiên ban tặng cho Tam Đảo một món quà vô giá, đó là nền khí hậu đặc trưng mà không nhiều địa danh trên đất nước Việt Nam có được. Khái niệm Khu nghỉ mát (KNM) có lẽ bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ XIX - thời điểm người Pháp phát hiện và xây dựng hơn 100 toà nhà, biệt thự cao cấp với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, có đủ các loại hình vui chơi giải trì thời bấy giờ: Sân quần vợt, phòng chiếu bong, bể bơi, công viên, vườn hoa, cây cảnh… phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch của quan chức cai trị người Pháp và tầng lớp giàu có thời bấy giờ. Tam Đảo được biết đến là khu nghỉ mát, điều dưỡng và thắng cảnh nổi tiếng miến Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc.
Năm 1997, sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, khu du lịch Tam Đảo được tái quy hoạch để trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh – nơi thu hút một lượng khách lớn đến Vĩnh Phúc với nhiều loại hình du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch rèn luyện thể thao, du lịch nghiên cứu, du lịch tâm linh…
Tam Đảo được mọi người biết đến là Khu Du lịch nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước. Đặc biệt là thời điểm mùa hè - khi mà nền nhiệt vùng đồng bằng khiến con người muốn tìm đến một không gian mát lành để nghỉ ngơi thì Tam Đảo là sự lựa chọn lý tưởng. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được bốn mùa trong một ngày: Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nắng mùa hạ, buổi chiều heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá mùa đông; thưởng thức những món ăn đặc sản của dân tộc, món ăn dân giã của địa phương; nghỉ ngơi trong những phòng khách sạn có vị trí và tầm nhìn đẹp mắt, thảnh thơi trong khung cảnh thiên nhiên trên những con đường dạo bộ, khung cảnh vừa thơ mộng vừa hung vĩ, vừa huyền ảo với sương, gió, mây trời như đan quyện vào nhau.
Có những địa danh mà khi nói đến du lịch Tam Đảo du khách không thể không nghĩ đến, là nhân tố không thể thiếu trong chuyến hành trình khám phá, nghỉ ngơi tại đây.
Thác Bạc - Tam Đảo
Đó là dòng thác Bạc trong vắt, nước chảy bốn mùa.Vào thời điểm mùa hè, du khách lên Tam Đảo không thể bỏ qua những khoảng khắc đắm mình dưới dòng thác Bạc - là một trong những điểm tham quan lý thú. Rẽ theo con đường mòn, hút xuống thung lũng sâu, thác Bạc do suối Mơ, suối Bạc và suối Tiên đổ vào. Thác giấu mình trong núi, bí ẩn đổ xuống dòng nước trắng bạc lóng lánh ánh mặt trời phản chiếu sắc cầu vồng. Một dòng suối nhỏ từ trên cao 30m ào ào tuôn nước trắng xoá như một dải bạc.
Với những ai đam mê khám phá hệ sinh thái đa dạng của thiên nhiên thì Vườn quốc gia Tam Đảo là địa điểm không thể bỏ qua. Đó là một kho tàng, tài sản quý của quốc gia, là kho dự trữ các nguồn gen động thực vật quý của Việt Nam . Đồng thời có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học…
Tháp truyền hình
Có một nơi mà nếu đến Tam Đảo du khách ai cũng muốn một lần được tự sức khám phá, được tận mắt nhìn thấy, nhất là đối với các bạn trẻ, đó là chinh phục tháp truyền hình Tam Đảo. Riêng việc được nghe kể về quá trình xây tháp đã là một chi tiết thú vị. Để xây dựng thành công, các kỹ sư và chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đã phải nghiên cứu một cách rất công phu từng chi tiết nhỏ: Từ chọn vị trí ở một nơi cao như vậy có đảm bảo sự vững chắc, lắp thế nào khi tầng trên cùng của tháp thò ra vực sâu, phương án dựng tháp bằng hình thức nào (kéo cẩu hay là đẩy), đặt máy ra sao để có sức đẩy một khối lượng nặng mấy trăm tấn…Và sau bao vất vả, tính đi tính lại việc xây tháp đã hoàn thành, hiện ngọn tháp cao hơn 100m này đang tồn tại trên đỉnh núi cao 1200m.
Để lên được tháp, du khách phải leo 1394 bậc đá dốc thoai thoải, tuy không cách trở như đường lên Yên Tử hay chùa Hương nhưng cũng là một hành trình thú vị. Đường lên được bao bọc bởi cây cối hai bên. Người leo tháp vừa đi vừa nghỉ và hít thở không khí trong lành, nói chuyện cho quên đi cái mệt và nghe những âm thanh từ tiềng gió, tiếng chim hót vọng ra từ rừng.
Lên đến nơi, một khung cảnh hiện ra thật tuyệt vời, đứng trên tầm cao phóng tầm mắt ra xa con người như đang đứng ở một vị trí có thể chinh phục được toàn bộ thiên nhiên xung quanh mình, nhìn xuống thấy mọi vật đều bé xíu, thích nhất là ở trên độ cao này những giàn susu lên mập mạp và non tua tủa rất thích mắt như một biểu trưng cho sức chịu đựng mãnh liệt của những cán bộ sống và làm việc tại đây. Sau những phút thư thái trên cao, đường xuống có vẻ nhẹ nhàng hơn nhiều, gần 1400 bậc đá giờ chỉ là một hành trình vừa đi vừa nghỉ ngơi và suy ngẫm về một cuộc “dã ngoại” hết sức bổ ích.
Đền Bà chúa Thượng ngàn
Không thể quên một Tam Đảo với những điểm du lịch tâm linh ẩn mình trong thiên nhiên: Đền Bà chúa Thượng ngàn, đền Trần để du khách có những giây phút lắng đọng tâm hồn. Trong không gian yên bình giữa lòng mẹ thiên nhiên, còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta được tham quan, tĩnh tại cầu mong điều tốt đẹp đến với mình trong cuộc sống
Khu Du lịch Tam Đảo còn được biết đến là địa danh gắn vời nhiều di tích lịch sử vô giá của dân tộc:
Nhà thờ Tam Đảo
Nhà thờ Tam Đảo: Được xây dựng từ năm 1906, nhà sàn lợp lá. Đến năm 1937 xây lại to đẹp, kiên cố với vật liệu đá, gạch. Ngôi thánh đường xây dựng theo kiến trúc kiểu Gothic, nổi trên nền rừng thông xanh ngắt trên sườn núi Nhà Thờ. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến của cách mạng Việt Nam, nhân dân đã di tản khỏi thị trấn, mọi biệt thự đều bị phá hủy; riêng nhà thờ được Bác Hồ chỉ thị phải giữ nguyên vẹn, không được xâm phạm vào tín ngưỡng của dân... nhờ vậy giữ được một kiến trúc đậm nét văn hóa. Từ năm 1954, chính quyền trưng dụng nhà thờ vào việc công. Ngày 02 - 9 -2008, lần đầu tiên nhà thờ cổ Tam Đảo chính thức tổ chức buổi dâng lễ tạ ơn, với hơn 2.000 giáo dân tham dự.
Ngày nay, đứng ở thung lũng Tam Đảo, bất cứ nơi nào cũng nhìn thấy nhà thờ đá như một người trầm mặc in hình giữa rừng thông vi vút lá gió trên sườn núi. Nhà thờ có một khoảng sân khá rộng. Khoảng sân này một mặt dài theo hông nhà thờ, mặt kia nằm “chon von” phía đường lộ. Để đảm bảo an toàn cho tín hữu, phía đường lộ được xây dựng một vòm cửa bằng đá xanh. Vòm cửa nào cũng có hình bán nguyệt, có mặt bằng để khách ngồi nhìn ngắm thị trấn bên dưới - có thể xem là một tác phẩm mỹ thuật làm tôn vẻ đẹp vốn có của nhà thờ.
Với những nét đặc trưng quý hiếm đó, nhà thờ đá cổ là một điểm tham quan lý thú, thu hút bất cứ vị khách nào khi đến nghỉ ngơi tại Tam Đảo. Đến tham quan nhà thờ bất cứ thời điểm nào trong ngày, khách cũng đều thấy vẻ đẹp của nó, mỗi tiết trời một vẻ đẹp khác nhau.
Nhà Rông - Tam Đảo
Hệ thống hầm trú ẩn nằm trên dãy núi Tam Đảo: Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, khi mà đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ nhất, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn Tam Đảo để xây dựng hệ thống hầm hào trú ẩn. Thứ nhất vì Tam Đảo ở vị tri gần thủ đô Hà Nội, hai là có khí hậu mát mẻ, có núi rừng hiểm trở che chắn, vì thế địch khó phát hiện. Mục đích của việc xây dựng hầm trú ẩn là để đảm bảo an toàn tính mạng cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, khi bị địch bắn phá bằng hoả lực hoặc dùng máy bay oanh tạc. Hệ thống hầm trú ẩn và hai nhà nghỉ của Trung ương được triển khai xây dựng và hoàn thành ngay trong năm 1965, do trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế và xây dựng gồm có 5 hầm:
Hầm số 1 tại khu nhà nghỉ biệt thự 18A, do Ban Quản trị Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng quản lý. Nhà nghỉ rộng 600m2 , là nơi làm việc, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cả trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng như những năm đất nước hoà bình.
Hầm số 2, tại nhà nghỉ biệt thự Trung ương 18B, do Ban Quản trị Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng quản lý. Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường xuyên về đây làm việc, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho đến những ngày cuối đời. Cố Tổng Bí thư Trường Trinh cũng đã nhiều lần về đây nghỉ ngơi.
Hầm số 3 là hầm nhà Rông: Tại hầm này cuối năm 1967 Bác Hồ đã về đây nghỉ và làm việc một thời gian ngắn. Hầm này được thiết kế hình cánh cung, ngay sát mép đường, nằm cạnh sườn núi, có một cửa vào và một cửa thoát hiểm, đường hầm dài 26m, rộng 0,9m , cao 2m, được xây kè bằng đá dày 1m, trên nóc hầm kè lớp đá dày 7- 8m.
Hầm số 4: Nằm giữa phía sau của khách sạn Ngôi Sao. Cũng như các hầm khác có một cửa vào và một cửa thoát hiểm. Đường hầm dài 28m, rộng 0,9m, cao 2m, xây bằng đá dày 1m, hầm này được thiết kế hình chữ chi đi lại lắt néo, bí mật, phía trên nóc hầm kè một lớp đá dày 7 - 8m.
Hầm số 5 (cạnh nhà nghỉ Công đoàn cũ) có hai cửa, một cửa vào và một cửa thoát hiểm, đường hầm được thiết kế hình chữ Z, dài 26 mét, rộng 0,9m, cao 2m, trên nóc hầm được phủ một lớp đá dày từ 7 - 8m.
Cả 5 hầm trú ẩn trên tuy được thiết kế ở 5 địa điểm khác nhau, nhưng kết cấu, kiến trúc, kích thước gần giống nhau, tạo thành một thế trận phòng thủ vững chắc liên hoàn, nằm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo hàm chứa nhiều ý nghĩa lịch sử.
Hệ thống hầm trú ẩn nằm trên dãy núi Tam Đảo trong những năm kháng chiến chống Mỹ là một nơi trú ẩn an toàn bí mật, đã che trở, bao bọc cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bên cạnh hệ thống hầm trú ẩn, còn có hai biệt thự nhà nghỉ Trung ương 18A và 18B, các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh... đã nhiều lần về đây làm việc và nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Vì vậy có thể khẳng định hệ thống hầm trú ẩn của Bộ Chính trị nằm trên đỉnh núi Tam Đảo là một chứng tích lịch sử, một địa bàn kháng chiến trong lòng đất.
Biệt thự 18A
Biệt thự 18B
Tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương khôi phục lại hệ thống hầm này, bên cạnh ý phục vụ mục đích quân sự, vào những thời điểm nhất định có thể sẽ phục vụ khách tham quan. Với những du khách yêu thích sự khám phá, tìm về những dấu tích lịch sử dân tộc, trài nghiệm một phần cuộc sống cha ông thời kháng chiến thì đây là sự lựa chọn thú vị nhất.
Hơn một trăm năm hình thành và phát triển, một chặng đường đủ dài để suy ngẫm về một Tam Đảo những gì đã qua và những gì đang tới. Từ một ý đồ thành một trạm nghỉ dưỡng, Tam Đảo hôm nay đã tự khẳng định để trở thành một khu du lịch nổi tiếng của Vĩnh Phúc gắn với những điểm di tích lịch sử, văn hoá có giá trị và thiên nhiên kỳ thú. Tam Đảo đang cần đầu tư nhiều hơn thế để Tam Đảo tương lai sẽ là một trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng và văn hóa có tầm cỡ quốc tế./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét