Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và một số cơ sở Phật giáo khác không chỉ lo việc tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật hàng ngày, mà còn mở các lớp dạy tu Thiền, đang thầm lặng góp phần vào sự nghiệp rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ cho nước nhà. Việc làm “Tốt đời, đẹp đạo” này là một nét nhân văn đáng quý, đáng trân trọng.
Trong những ngày nắng hè cháy bỏng ở Hà Nội, tôi có cơ may tạm lánh xa mọi ồn ào, bức bối nơi đô thị, gác lại những bộn bề công việc để hành hương về miền đất Phật Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc Trung tâm Văn hóa - Lễ hội tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những ngôi Thiền viện lớn nhất Việt Nam để được đắm mình trong không gian yên tĩnh, tôn nghiêm với không khí trong lành, gió núi mát mẻ và bạt ngàn màu xanh cây cỏ…
Chẳng phải đi đâu xa, sau hơn một giờ đồng hồ ngồi ô tô đi theo đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai mới mở, rồi rẽ vào đường đi Vĩnh Yên-Tam Đảo chỉ khoảng hơn 60 cây số là tới Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên một quả đồi ở lưng chừng núi Tam Đảo thuộc thôn Đền Thỏng xã Đại Đình, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc, có độ cao khoảng 300m so với mặt nước biển.
Tới miền đất Phật này, được lễ Phật, lễ Tổ và vãn cảnh Thiền viện tôi tin chắc mọi người đều cảm thấy tâm hồn thanh thản và quên đi mọi mệt mỏi, vất vả, âu lo thế tục.
Nhờ duyên lành, tôi được diện kiến Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt viện chủ trụ trì Thiền viện. Qua câu chuyện của Thượng tọa, tôi được biết Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công xây dựng ngày 04/04/2004 trên nền một ngôi Chùa cổ có tên là Thiên Ân Thiền Tự, là một trong 3 ngôi Chùa cổ có từ thời vua Hùng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (Thiên Ân Thiền Tự, Thiên Quang Thiền Tự và Hoa Long Thiền Tự).
Thiền viện có tòa Đại Hùng Bửu Điện-là tòa chính điện nằm ở trung tâm cao 17m, diện tích 675m2, có sức chứa 600 người, đủ chỗ cho phật tử và du khách thập phương ngồi thiền hoặc nghe giảng về Phật pháp. Tòa chính điện thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở chính giữa, Bồ Tát Phổ Hiền (cưỡi voi) và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (cưỡi hổ) ở hai bên. Tòa chính điện có 4 cột đá lớn treo các câu đối:
-Phật pháp chỉ đường lìa mê về bến giác/Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như
-Phước đức sâu dầy do gieo nhân đạt quả/Tuệ giác tròn đầy bởi bát giác gội nhuần
Bên phải chính điện là Lầu Trống. Thân trống làm bằng 1 khối gỗ mít rừng Gia Lai có đường kính 1,3m, dài 2m. Bên trái là Lầu Chuông. Chuông Đại Hồng Chung nặng 2 tấn được đúc từ một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Huế. Trên mặt chuông có khắc bài thơ của Thiền Sư Viên Học (1073-1136):
Lục thức thường hồn chung dạ khổ
Vô minh bị phủ cửu mê dung
Chú dạ văn chung khai giác ngộ
Lãn thần tịnh sát đắc thần thông
Dịch là:
Sáu thức tối tăm khổ đêm dài
Vô minh che đậy mãi mê say
Sớm tối nghe chuông lòng tỉnh giác
Thần lười dứt sạch, được thần thông
Phía sau chính điện có Nhà Tổ thờ 4 vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm là: Tổ sư Khương Tăng Hội là vị Tổ đầu tiên của Thiền tông Việt Nam và 3 vị Tổ là Sơ tổ Trúc Lâm (tức Phật hoàng Trần Nhân Tông), Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Nhà Tổ cũng có các câu đối:
-Tổ tổ truyền đăng phát huy tâm ấn Phật/Tăng tăng tục diện lưu biến chính tông thiền
-Tây Thiên khởi nguồn Phật kiếp kiếp truyền đăng tục diện mãi truyền hằng / Yên Tử mở lối thiền đời đời đức hóa lưu phương luân chuyển khắp
Các câu đối ở Chính điện, Nhà Tổ và bài thơ khắc trên chuông Đại Hồng Chung đều thấm đẫm giáo lý nhà Phật và Thiền tông.
Tượng Phật và các tượng Tổ được làm từ đá Sa thạch là một loại đá quý có độ bền lâu dài mà người Chăm và người Ai Cập xưa thường dùng để tạc tượng. Tượng Phật Thích Ca được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là tượng Phật sa thạch lớn nhất Việt Nam.
Hành hương chiêm bái Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, tôi ấn tượng nhất hai việc sau đây:
- Trong những năm gần đây, cứ mỗi dịp nghỉ hè, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên lại là “điểm đến” học tu Thiền và Phật pháp. Đại đức Thích Thanh Trí - Phó trụ trì Thiền viện kiêm giáo thọ sư cho biết: Thiền viện mở các lớp học tu Thiền từ năm 2010 đến nay, mỗi năm mở 6 khóa học vào dịp hè, mỗi khóa tiếp nhận khoảng 250 học sinh tuổi từ 14 đến 17-18 (nam-nữ học riêng).
Chiêm bái Thiền viện, ngoài việc được lễ Phật, lễ Tổ…, tôi còn được chứng kiến cảnh các thiền sinh xếp hàng ngay ngắn ngoài sân theo thứ tự vào Trai đường thọ trai các buổi sáng-trưa-chiều, được dự các buổi học giáo lý, tập tu Thiền và sinh hoạt tập thể của thiền sinh, tôi thấy Thiền viện như một trường học vậy. Chỉ khác là trường học dạy chữ-dạy người, còn Thiền viện dạy Thiền-dạy người. Các thầy đã vận dụng giáo lý nhà Phật khi giảng về quy luật nhân quả của đức Phật, về chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Hiếu…để bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, hướng tuổi trẻ đến với chân-thiện-mỹ.
Trước khi thọ trai buổi sáng, các thầy đều hướng dẫn thiền sinh ngồi yên lặng niệm Phật Bổn Sư Thích Ca, rồi đọc Tam đề và Ngũ quán. Khi tôi hỏi, Đại đức Thích Trúc Thông Văn - Phó trụ trì Thiền viện giải thích theo giáo lý nhà Phật thì Tam đề là tự tâm mình khởi lên 3 điều: 1-Nguyện dứt các điều ác. 2-Nguyện làm các việc lành. 3-Nguyện độ tất cả chúng sinh. Ngày nào thiền sinh cũng khởi lên 3 điều này để tạo thói quen phải làm những việc tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Có được nhận thức như vậy rồi sẽ chuyển sang đọc Ngũ quán để thấu rõ mọi bản chất của sự vật. Đó là: 1-Quán (thấy rõ) thức ăn này từ đâu mà có, công của người làm ra hạt gạo, mua được hạt gạo khó nhọc biết bao nhiêu. 2-Quán công đức của mình đủ hay thiếu để được thọ dụng thức ăn này. 3-Quán thức ăn này cốt để dẹp sạch tham-sân-si. 4-Quán thức ăn này như thuốc uống để trị bệnh cho thân thể mình (chứ không phải cốt để ăn ngon). 5-Quán vì thành đạo nghiệp nên mới thọ dụng thức ăn này.
Đại đức còn cho biết: “Phép Thiền của đạo Phật chuyển hóa được thân-tâm, làm cho con người có được trí tuệ và lòng thương yêu (đạo Phật gọi là từ bi). Con người phát triển được trí tuệ và lòng thương yêu là có được nhân cách hoàn hảo nhất”; “Nhà trường của ta hiện nay có dạy đạo đức cho học sinh, nhưng đó chỉ là cái “vỏ” bề ngoài. Nhật Bản và Thái Lan người ta đã đưa Thiền vào dạy ở các trường học”.
Khi tôi hỏi về chữ Tâm trong đạo Phật, thầy Thích Thanh Trí nói: “Phật ở trong tâm, tập thiền để có tâm Phật, tu thiền để tâm an lành-thanh tịnh, từ đó mới có trí tuệ gọi là trí vô sư. Ngay cả việc bố thí-cúng dường cũng phải bằng Tâm thanh tịnh. Bố thí có ghi tên người cho là bố thí hữu tướng (hàm ý người bố thí vẫn muốn có danh tiếng) thì công đức chỉ có hạn. Bố thí vô tướng (không nêu danh tính) là bố thí bằng Tâm thanh tịnh, trong đạo Phật gọi là bố thí vô ngã, bố thí Ba la mật thì công đức vô biên, vô lượng”.
Khi tôi hỏi về chữ Tâm trong đạo Phật, thầy Thích Thanh Trí nói: “Phật ở trong tâm, tập thiền để có tâm Phật, tu thiền để tâm an lành-thanh tịnh, từ đó mới có trí tuệ gọi là trí vô sư. Ngay cả việc bố thí-cúng dường cũng phải bằng Tâm thanh tịnh. Bố thí có ghi tên người cho là bố thí hữu tướng (hàm ý người bố thí vẫn muốn có danh tiếng) thì công đức chỉ có hạn. Bố thí vô tướng (không nêu danh tính) là bố thí bằng Tâm thanh tịnh, trong đạo Phật gọi là bố thí vô ngã, bố thí Ba la mật thì công đức vô biên, vô lượng”.
Các thầy ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và một số cơ sở Phật giáo khác không chỉ lo việc tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật hàng ngày, mà còn mở các lớp dạy tu Thiền, đang thầm lặng góp phần vào sự nghiệp rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ cho nước nhà. Việc làm “Tốt đời, đẹp đạo” này là một nét nhân văn đáng quý, đáng trân trọng.
-Việc thứ hai khi về đất Phật Tây Thiên, tôi cũng rất ấn tượng với Dự án công trình xây dựng Đại tượng Phật Quốc Thái-Dân An-Phật Đài bằng đá khối Hoa cương cao 49m gồm 28.100 viên đá có trọng lượng 35.292 tấn. Riêng đầu tượng Phật cao 16m (bằng chiều cao tòa nhà 5 tầng). Đây là Dự án do Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên làm chủ đầu tư, kinh phí lúc đầu dự kiến dựa vào xã hội hóa. Hiện nay mới xây xong bệ đặt tượng, do sự phát tâm công đức, cúng dường bằng tiền mặt, bằng trí tuệ tư vấn thiết kế, công sức khảo sát trắc địa, tổ chức thi công v..v..của nhiều nhà hảo tâm là tăng ni Phật tử, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài, các nhà khoa học (trong đó có GS.TSKH-KTS Hoàng Đạo Kính), các kiến trúc sư, họa sĩ, điêu khắc gia, doanh nhân, doanh nghiệp, thợ thủ công và công nhân xây dựng.
Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt cho biết: Theo tính toán của trường Đại học xây dựng thì kinh phí làm tượng Phật bằng đá bán quý là khoảng 400 tỷ đồng. Nếu tượng làm trong 4 năm hoàn thành thì mỗi năm phải chi 100 tỷ, số tiền này khó huy động được ở thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.
Để công trình có thể thực hiện đúng tiến độ dự kiến là 4 năm, Thiền viện đang làm đơn xin Nhà nước và các Cơ quan Ban Ngành chức năng cho phép khai thác mỏ đá ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để cung cấp toàn bộ đá cho công trình.
Như vậy khi Nhà nước cho phép sử dụng tài nguyên Quốc gia để xây dựng công trình cho Quốc gia, và toàn dân công đức phần bê tông, chế tác (trị giá khoảng 200 tỷ). Công trình Quốc Thái-Dân An-Phật Đài sẽ thể hiện tinh thần Nhà nước và toàn dân Việt Nam hôm nay đoàn kết quyết tâm xây dựng để nguyện cầu cho đất nước thoát khỏi hiểm họa chiến tranh. Bằng tâm lực, trí lực tôn tạo tượng đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni với tâm thành của toàn dân cầu nguyện cho đất nước được hòa bình, Tam Bảo sẽ chứng minh và gia hộ cho sở cầu sở nguyện lành của chúng ta sớm được thành đạt như ý nguyện. Quốc Thái-Dân An-Phật Đài được xây dựng bằng đá Hoa cương ở bên ngoài, phần nội thất bên trong làm bằng đá bán quý (đá Vân, đá Cẩm thạch) hấp thụ hồn thiêng sông núi và linh khí Việt Nam hàng triệu năm trong lòng đất, sẽ phát năng lượng rất lớn, lại do nghệ nhân Việt Nam chế tác-xứng đáng là “Bảo vật Quốc gia” mang ý nghĩa “Quốc hồn, Quốc túy Việt Nam”.
Quả vậy, Đại tượng Phật được hoàn thành sẽ là một kỳ công, kỳ tích, kỳ vĩ của toàn dân hôm nay trao tặng lại cho con cháu các thế hệ mai sau. Khi mọi người hành hương về Thiền viện lễ Phật để nguyện cầu cho gia đình được bình an, đất nước được thái bình, thụ hưởng nguồn năng lượng an lành từ đức Phật sẽ đưa đến quả phúc “Quốc Thái-Dân An”.
Vũ Tất Tiến/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét