Động Hua Mạ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm trên lưng chừng núi, bên trong có nhiều nhũ đá đẹp được hình thành tự nhiên qua hàng triệu năm với những dáng vẻ sinh động, hấp dẫn.Ở phía Nam hồ Ba Bể, bên bờ sông Lèng thuộc địa phận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, ngọn núi Cô Đơn sừng sững nằm giữa khu Lèo Pèn (Rừng Ma) cây cối xanh rì, rậm rạp.Giữa lưng chừng núi, có một hang động lạ ăn sâu vào lòng núi chạy theo hướng Đông - Nam quanh năm u tịch. Người dân địa phương gọi là hang Lèo Pèn, gắn với một sự tích vô cùng linh thiêng và đậm chất ly kì, bí hiểm.
Theo lời kể của những người dân sinh sống nơi đây thì Rừng Ma xưa kia là nơi ma quỷ ngự trị. Cứ vào buổi chiều tà, tiếng kêu hú từ phía hang động Hua Mạ vọng ra gây chấn động cả một vùng cho đến tận đêm khuya, dân chúng trong vùng không ai dám đi lại trong thời điểm đó.
Ngày đó có một vị tướng triều đình đi tuần thú qua đây, khi đến bờ sông Lèng thì trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay, khi qua sông Lèng, cứ xuống đến nước thì ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó không bình thường.
Cùng lúc đó từ phía hang Lèo Pèn, tiếng hú, tiếng oan hồn kêu khóc vọng ra. Thấy sự việc lạ, quan quân cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc. Họ đã cố thủ trong hang. Bọn giặc không làm gì được đã bít cửa hang, do đó những oan hồn không được siêu thoát.
Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa, lấy đầu ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn, nơi đó qua năm tháng đã mọc lên những khối nhũ đá rất đặc biệt kỳ vĩ, có chỗ như bông hoa đá, lại có nơi như đức Quan âm bồ tát đưa tiễn thầy trò Tam Tạng đi lấy kinh, có nơi lại như một thủy cung, hoàng cung trong “Buổi thiết triều”.
Từ đó người ta gọi sơn động “Lèn Pèn” là động Hua Mạ hay tiếng địa phương gọi là hang Đầu Ngựa, để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của mảnh đất và con người nơi đây.
Trải qua nhiều năm hoang sơ, u tịch, năm 2004, động Hua Mạ đã được Sở VH-TT&DL Bắc Kạn và Ban Quản lý vườn quốc gia Ba Bể đưa vào khai thác, biến Hua Mạ trở thành một điểm đến của du khách gần xa.
Với độ cao 350m so với mặt nước biển, từ chân núi Cô Đơn, du khách theo các bậc cầu thang trên sườn núi dốc thoai thoải là tới cửa động. Động Hua Mạ có chiều dài tới hơn 700m, trần động có chỗ rộng và cao tới 40 – 50m, chứa đựng nhiều vách, nhũ đá lung linh kỳ vĩ. Bước chân vào động, không gian thoáng đãng do lòng hang rộng và thông nhau đã tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, dễ chịu.
Nhiều du khách khi đến thăm Hua Mạ đã cho rằng, so với những sơn động đã được khám phá tại Việt Nam như Thiên Cung, Phong Nha – Kẻ Bàng… thì động Hua Mạ mới thực sự là hang động đệ nhất kỳ quan.
Tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người, mỗi nhũ đá hiện ra với dáng vẻ khác nhau: nơi đây là cảnh thầy trò Đường Tăng, chỗ kia là buổi thiết triều, rồi đường sang Tây Trúc, tháp bút, hoa sen… Các nhũ đá trắng, đen ánh lên các màu lung linh huyền ảo từ phía trên hang động rủ xuống, từ mặt đất nhô lên tạo ra cảm giác rất thú vị.
Để phục vụ khách du lịch thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của động, bên cạnh việc chú trọng bảo tồn và phát triển cảnh quan tự nhiên của động, tỉnh Bắc Kạn cũng đã đầu tư mở đường lên động, đường tham quan và hệ thống đèn chiếu sáng. Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn, động Hua Mạ cùng với hồ Ba Bể và Bản dân tộc Pắc Ngòi sẽ hình thành nên một quần thể du lịch tổng hợp trọng điểm của tỉnh.
Tuy nhiên, với vẻ đẹp và sự hấp dẫn hiếm có của mình, động Hua Mạ hiện nay vẫn chưa thu hút được đông đảo khách du lịch. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn thắng cảnh vẫn chưa được quan tâm thích đáng, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu dành cho du khách khi có dịp viếng thăm nơi đây./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét